Quảng Ngãi: Gian nan đòi nợ nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần 200 tỷ đồng là số nợ tạm ứng tại một số gói thầu, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã “treo” cả chục năm nay. Bên cạnh một số khoản nợ do vướng mắc giải phóng mặt bằng có thể thu hồi, có những khoản tạm ứng cho nhà thầu rất khó đòi. Dù đã có nhiều giải pháp, kể cả khởi kiện, tòa đã phán quyết nhưng vẫn chưa thể xử lý.
Số nợ tạm ứng quá hạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 184 tỷ đồng, trong đó, 131 tỷ đồng là nợ quá hạn do vướng mắc giải phóng mặt bằng có khả năng thu hồi. Ảnh minh họa: Internet
Số nợ tạm ứng quá hạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 184 tỷ đồng, trong đó, 131 tỷ đồng là nợ quá hạn do vướng mắc giải phóng mặt bằng có khả năng thu hồi. Ảnh minh họa: Internet

Theo Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi, đến đầu tháng 4/2022, số nợ tạm ứng quá hạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 184 tỷ đồng, trong đó 131 tỷ đồng là nợ quá hạn do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) có khả năng thu hồi, còn lại hơn 52 tỷ đồng là nợ tạm ứng quá hạn khó thu hồi.

Theo ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, trước năm 2019, thị xã đã cho nhà thầu tạm ứng xây lắp dự án đường Quốc lộ 1 - Mỹ Á - Khu công nghiệp Phổ Phong hơn 2 tỷ đồng, nhưng sau đó vướng GPMB, nên không có mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Đức Phổ đã có văn bản yêu cầu nhà thầu hoàn tạm ứng, nhưng nhà thầu không trả vì “số tiền tạm ứng đã mua vật tư, vật liệu chuẩn bị thi công”. “Đó là khoản nợ còn có khả năng thu hồi, còn nợ của các nhà thầu phá sản, mất khả năng thanh toán với số tiền hơn 52 tỷ đồng thì đang bế tắc”, Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

Để đòi được nợ, một số chủ đầu tư đã kiện các nhà thầu ra tòa. Tòa đã phán quyết nhưng đơn vị thi hành án vẫn bế tắc vì nợ kéo dài quá lâu, nhiều doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp vướng vòng lao lý. Điển hình tại công trình hồ chứa nước Lỗ Lá và đường Quốc lộ 1 - Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ, nhà thầu tạm ứng vốn xây lắp từ những năm 2010 - 2011, với số tiền gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nhà thầu không thi công nhưng cũng không hoàn tạm ứng, buộc UBND thị xã Đức Phổ phải khởi kiện. Tương tự, vào năm 2010, huyện Ba Tơ đã cho tạm ứng hơn 3,5 tỷ đồng để nhà thầu thi công Dự án Đường Ba Bích - Ba Lế, nhưng sau đó bị nhà thầu chiếm dụng vốn…

Để hạn chế tình trạng nhà thầu nợ và mất khả năng trả nợ, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư dự án chỉ được cho phép nhà thầu thi công khi công trình đã được bố trí vốn, không được để xảy ra nợ đọng như lâu nay.

Đối với nợ tạm ứng quá hạn do dự án vướng bồi thường GPMB, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, chính quyền địa phương tuyên truyền người dân nắm và hiểu quy định, chính sách (bồi thường), để thực hiện. Nếu quá thời gian quy định (về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công), chủ đầu tư và ban quản lý dự án có trách nhiệm thu hồi tiền bồi thường chưa thực hiện cho người dân của tổ chức (đảm nhận) bồi thường, chuyển về tài khoản của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để Kho bạc Nhà nước thu hồi, nộp ngân sách theo quy định.

Riêng đối với nợ tạm ứng quá hạn, khó có khả năng thu hồi do ban quản lý dự án giải thể, ông Đặng Văn Minh cho biết, đã chỉ đạo Kho bạc Nhà nước phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát, xác định rõ nguyên nhân, tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải pháp cụ thể về xử lý thanh toán, hoặc thu hồi dứt điểm để quyết toán công trình.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi, để hạn chế nợ tạm ứng, các doanh nghiệp tham gia các gói thầu cần được đánh giá kỹ càng hơn về năng lực và uy tín. “Khâu lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu rất quan trọng. Theo quy định, khi ký hợp đồng, nhà thầu được tạm ứng 30% nên khâu chấm thầu phải kỹ càng. Nếu gặp nhà thầu có năng lực tài chính yếu sẽ dễ bị “bể” và rơi vào rủi ro cao”, ông Luyện nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục