Các công ty Internet phất lên trong mùa dịch

Chưa rõ cuộc khủng hoảng nCoV kết thúc ra sao nhưng nó tạo ra người thắng và kẻ bại mới trong một nền kinh tế ngày càng số hóa.
WeDoctor cung cấp dữ liệu cho thấy có 777.000 cuộc tư vấn trực tuyến giai đoạn23-30/1.Ảnh: SCMP
WeDoctor cung cấp dữ liệu cho thấy có 777.000 cuộc tư vấn trực tuyến giai đoạn23-30/1.Ảnh: SCMP

Hàng triệu người dân Vũ Hán và các khu vực lân cận bị cách ly trong nhà để tránh lây lan nCoV đã tìm đến các nền tảng trực tuyến để làm việc từ xa hoặc giải trí cho bớt nhàm chán. Nhờ vậy, các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ như trò chơi di động, hội nghị trực tuyến và sức khỏe trực tuyến, được dịp bội thu.

"Trò chơi trực tuyến có thể là ngành hưởng lợi lớn nhất từ những đình trệ do nCoV gây ra", chuyên gia Jialong Shi của Nomura nhận định. Ông cho biết hầu hết các tựa game bom tấn hiện có của Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng về thời gian chơi và mua hàng trong trò chơi từ tháng 1/2020, và tiếp tục được thúc đẩy bởi việc phát hành các tựa game mới.

Cụ thể, trò "Honor of Kings" của Tencent dẫn đầu bảng xếp hạng với số người dùng hàng ngày vượt qua 100 triệu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, so với mức thông thường khoảng 60-70 triệu, theo Nomura.

"Đà tăng có thể sẽ tiếp tục vì hầu hết trường đại học Trung Quốc đã dời việc nhập học trở lại đến giữa hoặc cuối tháng hai", ông Shi nói. "Sinh viên đại học là một trong những nhóm người dùng hàng đầu cho các trò chơi trực tuyến và trò chơi trên di động", ông cho biết.

Sinolinks Securities cũng có cùng quan điểm, nói rằng "các công ty game là những người hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng phát của nCoV". Đơn vị này dự báo, "Honor of Kings" sẽ đạt từ 120 triệu đến 150 triệu người dùng hàng ngày, mức cao nhất từ trước đến nay.

Một số tựa game khác của Tencent như "Game for Peace", phiên bản dành riêng của Trung Quốc của PUBG Mobile, đã kiếm được khoảng 200 triệu (28,7 triệu USD) đến 500 triệu nhân dân tệ chỉ riêng trong đêm giao thừa âm lịch, theo Sinolinks.

Đặc biệt, trò chơi di động có tên Plague, với nội dung phát triển một loại virus hoàn hảo có khả năng lây nhiễm và giết chết tất cả trên hành tinh, đã trở thành ứng dụng trả phí hàng đầu trong App Store của Trung Quốc vào tháng trước.

Trò chơi được phát hành vào năm 2012 bởi Ndemia Creations (Anh). Nó từng chứng kiến lượt tải xuống và số lượng người chơi tăng đột biến trong đợt dịch Ebola 2014. Và nay, tình hình lại tương tự khi nCoV hoành hành.

Video ngắn, một nguồn giải trí chính cho người dân Trung Quốc, cũng đang tăng trưởng nhanh nhờ hàng triệu người rảnh rỗi khi bị cách ly trong nhà. Nền tảng video ngắn Kuaishou đã tạo ra 780 triệu người xem tích lũy và 63,9 tỷ tương tác cho chiến dịch lì xì kỹ thuật số trong Gala Năm mới của CCTV, theo báo cáo của Jefferies.

Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok do Bytedance sở hữu, được nhà phân tích Thomas Chong của Jefferies dự báo "khởi động các hoạt động để thúc đẩy người dùng tham gia khi họ ở nhà".

Bên cạnh giải trí, các nền tảng hỗ trợ làm việc từ xa cũng chứng kiến lượt người dùng tăng mạnh. Bởi lẽ, người lao động tại Trung Quốc tính trở lại làm việc vào ngày 31/1, sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng sự bùng phát của dịch viêm phổi buộc các cơ quan chức năng phải kéo dài kỳ nghỉ.

Để giúp ngăn chặn sự lây lan, hầu hết công ty Trung Quốc trì hoãn hoạt động kinh doanh và nhân viên được yêu cầu làm việc trực tuyến tại nhà. Điều đó dẫn đến sự gia tăng trong việc sử dụng các ứng dụng văn phòng từ xa như DingTalk của Alibaba, WeChat Work của Tencent, Slack-like Lark của Bytedance và WeLink của Huawei.

Nhân viên của hơn 10 triệu công ty đã làm việc tại nhà trên DingTalk vào hôm qua, theo một tuyên bố được đăng trên Weibo. Số lượng người dùng trên ứng dụng đã vượt quá 200 triệu vào ngày hôm đó. Theo báo cáo của 36Kr vào thứ tư tuần trước, nó đã trở thành ứng dụng miễn phí hàng đầu đất nước.

Giới phân tích cho rằng, đợt làm việc từ xa lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc này sẽ thúc đẩy các công ty công nghệ vốn tập trung vào người tiêu dùng truyền thống nay nỗ lực hơn để đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Đơn cử, Tencent tuyên bố sẽ tăng số lượng người tối đa tham gia cuộc họp video trên WeChat Work lên 300 người.

Tương tự, các nền tảng Internet đang được nhiều trường học ở Trung Quốc chấp nhận như một cách để giảng dạy trực tuyến.

Theo iResearch Consulting Group, cuộc khủng hoảng sức khỏe đã khiến thị trường giáo dục trực tuyến của Trung Quốc trở nên nổi bật. Theo họ, những dự báo trước đó về sự tăng trưởng trong lĩnh vực này cần phải được điều chỉnh tăng.

"Số lượng học sinh tham gia lớp của tôi đã tăng 20%", ông David Wang, người cung cấp đào tạo toán và vật lý cho học sinh trung học. "Một số sinh viên thích tham gia lớp học trực tuyến vì có thể tiết kiệm thời gian di chuyển và có thể phát lại video sau buổi học", ông nói.

Cũng trong bối cảnh lo ngại nCoV, ngày càng có nhiều người dùng Internet để được tư vấn sức khỏe, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ y tế trực tuyến.

Phát ngôn viên của WeDoctor có trụ sở tại Hàng Châu, cho biết nền tảng này đã cung cấp khoảng 777.000 cuộc tư vấn trực tuyến từ ngày 23 đến 30/1, theo một phát ngôn viên. Dịch vụ tư vấn thường có giá từ 19 đến 29 nhân dân tệ nhưng hiện miễn phí nếu liên quan đến dịch viêm phổi.

Một ngành hưởng lợi khác đứng đằng sau sự phất lên của các nền tảng trực tuyến trong thời gian dịch bệnh chính là dịch vụ điện toán đám mây. Đây là nơi lưu trữ và cung cấp quyền truy cập vào các chương trình từ xa, được sử dụng bởi những người ở nhà. "Điều đó có thể là điềm lành cho tham vọng của các nhà khai thác dịch vụ đám mây Trung Quốc như Alicloud và Tencent Cloud", ông Shi nói.

Tin cùng chuyên mục