Dow Jones mất hơn 1.000 điểm

Đây là lần thứ 3 trong lịch sử DJIA mất hơn 1.000 điểm một ngày khi nhà đầu tư lo ngại tác động của dịch Covid-19 lên kinh tế toàn cầu.
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh:Reuters
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh:Reuters

Chốt phiên hôm qua (24/2), chỉ số DJIA mất 1.031 điểm, tương đương 3,56%. S&P 500 mất 111 điểm, tương đương 3,35%. Mức giảm của Nasdaq Composite là 355 điểm, tương đương 3,71%. Cả Dow Jones và S&P 500 đều có phiên tệ nhất trong 2 năm.

Toàn bộ 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đi xuống. Mạnh nhất là nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ. Apple giảm 4,8% sau báo cáo cho thấy doanh số smartphone tại Trung Quốc giảm hơn một phần ba trong tháng 1.

Nhóm cổ phiếu bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor mất 4,8%. Còn nhóm hàng không NYSE Arca Airline Index giảm 6%.

Sau phiên hôm qua, cả S&P và DJIA đều đã thấp hơn so với năm ngoái. Riêng với DJIA, đây mới là lần thứ 3 trong lịch sử chỉ số này mất hơn 1.000 điểm một ngày. "Thị trường sẽ không thể tiến triển nếu chưa có bằng chứng cho thấy dịch bệnh đang chững lại", Mark Luschini – chiến lược gia đầu tư tại Janney Montgomery Scott nhận định.

Trước đó, ngay khi mở cửa, Dow Jones đã mất 979 điểm, tương đương 3,4%, Nasdaq Composite giảm gần 4%, còn S&P 500 cũng mất 3,2%. 

Nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào diễn biến của dịch viêm phổi - vốn đang lan nhanh chóng ra các nước ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc và Italy. Số ca nhiễm bệnh mới tại các quốc gia này đã tăng đột biến những ngày gần đây.

Hàn Quốc đã nâng cảnh báo dịch Covid-19 lên mức cao nhất, sau khi trở thành ổ dịch lớn nhì thế giới. Ngoài châu Á, Italy cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng, với hơn 130 trường hợp nhiễm bệnh và ba ca tử vong.

"Mọi thứ vẫn còn chưa chắc chắn và không ai biết liệu cuối cùng dịch bệnh sẽ diễn ra như thế nào", Keith Lerner, chiến lược gia trưởng tại Truist/SunTrust Advisory cho biết, "Với mức thị giá cổ phiếu và định giá vẫn gần mức cao trong chu kỳ, nguy cơ dịch viêm phổi ngày càng tồi tệ đã không được tính tới".

Trong những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán thị trường sẽ đi theo hình chữ V - sụt giảm mạnh trước khi phục hồi. Tuy nhiên, giới đầu tư đang chọn những những tài sản mang tính trú ẩn cao như vàng hay trái phiếu chính phủ Mỹ, tránh xa những tài sản rủi ro như chứng khoán.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đã xuống thấp nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, giá vàng hiện giao dịch quanh 1.655 USD một ounce. Trước đó, có thời điểm giá tiến sát 1.700 USD.

Tin cùng chuyên mục