Mỹ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 50 năm

Mỹ sẽ phát hành trái phiếu kỳ hạn 50 năm nếu có mức “nhu cầu thích hợp”, động thái nhằm làm giảm nguy cơ từ khối nợ công lên tới 22.000 tỷ USD của Mỹ và tận dụng mức lãi suất thấp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 12/9 cho biết, Mỹ sẽ phát hành trái phiếu kỳ hạn 50 năm nếu có mức “nhu cầu thích hợp”, động thái nhằm làm giảm nguy cơ từ khối nợ công lên tới 22.000 tỷ USD của Mỹ và tận dụng mức lãi suất thấp.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, ông Mnuchin cho biết: "Chúng tôi sẽ bắt đầu với trái phiếu kỳ hạn 50 năm và nếu thành công, chúng tôi sẽ cân nhắc phát hành trái phiếu kỳ hạn 100 năm".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết ông đã bắt đầu xem xét khả năng phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn siêu dài từ hai năm trước. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài nhất của Mỹ hiện là 30 năm.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump lại đề xuất một phương án khác để đối phó với chi phí ngày càng gia tăng từ khối nợ cao kỷ lục của Mỹ.

Mới đây, ông Trump kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống dưới 0% nhằm giảm các khoản trả lãi. Fed được dự đoán sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp diễn ra vào tuần tới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho rằng, điều kiện kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn thuận lợi dù kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và bất đồng thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được tháo gỡ, đồng thời phản đối quan điểm lãi suất âm cũng như việc đặt lãi suất dưới áp lực về mặt chính trị.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 đã quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, động thái khơi mào những chỉ trích từ Tổng thống Trump đối với Fed.

Ông cho rằng châu Âu đang “được trả tiền” để đi vay tiền, trong khi Fed lại không hành động gì để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Khi được hỏi về lãi suất âm, ông Mnuchin cho biết ông không ủng hộ chính sách này, cho rằng lãi suất âm không tốt cho ngành ngân hàng và nền kinh tế rất khó có thể tăng trưởng nếu không có một ngành ngân hàng khỏe mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ dự đoán chính sách nới lỏng của ECB sẽ khiến một lượng lớn vốn toàn cầu đổ vào trái phiếu chính phủ của Mỹ với lợi suất dù ở mức thấp lịch sử nhưng vẫn cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ của Đức.

Điều này sẽ đẩy giá trái phiếu đi lên và làm giảm lợi suất, từ đó làm tăng khả năng Mỹ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn siêu dài để tận dụng lãi suất thấp./.

Tin cùng chuyên mục