Nga có thể thoát cơn ác mộng kinh tế?

Cơn ác mộng kinh tế Nga xuất phát từ tình trạng giá dầu mỏ sụt giảm, đồng rúp rớt giá cùng lệnh trừng phạt của phương Tây được dự báo kéo sang cả năm 2016, gây ảnh hưởng lớn tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Kinh tế Nga chịu tác động tiêu cực từ tình trạng giá dầu cùng đồng rúp sụt giảm cũng như lệnh trừng phạt của phương Tây.
Kinh tế Nga chịu tác động tiêu cực từ tình trạng giá dầu cùng đồng rúp sụt giảm cũng như lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo tờ The Moscow Times, nhà nghiên cứu Andrei Movchan tại Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định mặc dù ngành công nghiệp năng lượng chỉ chiếm 1/4 sản lượng kinh tế quốc gia nhưng trên thực tế nó đã chiếm 70% GDP của Nga. Điều này giải thích tại sao vào cuối thập niên 80, tình trạng giá dầu mất giá một nửa là một trong những yếu tố chính khiến Liên Xô cũ tan rã.

Thậm chí trong cuộc họp hồi tháng 12/2015, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga, ông Maxim Oreshkin cũng đã lên tiếng thừa nhận Nga đang phải đối mặt với cú sốc kinh tế nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Cụ thể, việc phương Tây đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc chiến ở miền đông Ukraine, đã khiến giá dầu của Nga sụt giảm mạnh.

Đây là lý do ông Movchan cho rằng trong năm 2016, Nga sẽ vẫn phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ tình trạng giá dầu mỏ lao dốc và đồng rúp rớt giá như năm 2015.

Dầu mỏ

Theo Thứ trưởng Oreshkin, nếu giá dầu giảm xuống còn 50 USD/thùng, ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ chịu thiệt hại 160 tỷ USD/năm. Song vào giữa tháng 12/2015, giá dầu thế giới đã không chỉ giảm xuống còn 50 USD/thùng mà xuống dưới 30 USD/thùng.

Phản ứng trước tình trạng khó khăn, Nga đã tăng sản lượng khai thác dầu đạt mức cao nhất kể từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ cũng như tăng cường xuất khẩu khí đốt và kim loại, khiến giá nguyên liệu càng lao dốc mạnh. Mục đích trong chiến lược của Nga là kiếm thêm tiền và đảm bảo việc làm cho công nhân.

Song chiến lược này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của nền công nghiệp dầu mỏ Nga trong tương lai. Cụ thể, trong cuộc đua dài hơi, tổng sản lượng dầu mỏ của Nga so với đối thủ Ả Rập Xê-út, chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh bởi Ả Rập Xê-út sản xuất tới tới hơn 10 triệu thùng dầu/ngày.

Lệnh trừng phạt

Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng dầu mỏ của Nga sụt giảm trong thời gian tới là tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Các biện pháp trừng phạt được áp dụng từ năm 2014 đã ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ và chuyên môn trong ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga cũng như khiến nhiều tổ chức tài chính phương Tây từ bỏ Nga.

Tình trạng này buộc các công ty và ngân hàng của Nga phải trả nợ cho đối tác nước ngoài thay vì tái tài trợ. Theo Ngân hàng trung ương Nga, tổng số nợ nước ngoài doanh nghiệp vào cuối năm 2015 đã rơi xuống mức dưới 500 tỷ USD so với mức 660 tỷ USD vào giữa năm 2014.

Tuy nhiên theo Cố vấn cấp cao của công ty Macro Advisory ở Moscow, ông Chris Weafer, về lâu dài, việc giảm bớt nợ sẽ giúp nền tài chính Nga "khỏe hơn".

Đồng rúp của Nga liên tiếp rớt giá so với đồng USD.

Đồng rúp

Nga có thể đối phó với tình trạng giá dầu rớt giá và lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách hạ giá đồng rúp, vốn đã mất 1/2 giá trị so với đồng USD kể từ mùa hè năm 2014. Đây cũng là thời điểm giá dầu bắt đầu sụt giảm.

Trong khi đó, nếu thi hành chính sách không can thiệp vào tỷ giá đồng rúp, Ngân hàng trung ương Nga có thể bảo toàn nguồn dự trữ ngoại tệ ở mức 371 tỷ USD hồi đầu tháng 12/2015 thay vì chi tiền để bảo hộ đồng nội tệ. Ngoài ra, trong bối cảnh dầu mỏ và nhiều mặt hàng khác hiện vẫn đang được giao dịch bằng đồng USD, việc hạ giá đồng rúp sẽ giúp các công ty năng lượng và chính phủ kiếm thêm nguồn ngoại tệ đồng thời cho phép chính phủ Nga duy trì khoản thâm hụt ngân sách khoảng 3% mà không cần vay mượn thêm hay cắt giảm mạnh chi tiêu.

Tuy nhiên, giá trị đồng rút sụt giảm cũng đã làm thay đổi cán cân thương mại của Nga. Theo số liệu chính thức của hải quan Nga, giá trị nhập khẩu của nước này đã giảm mất 38% trong 10 tháng đầu năm 2015.

Lạm phát

Tình trạng đồng rúp rớt giá khiến tỷ lệ lạm phát tại Nga giữ ở mức trên 15% trong năm 2015. Cụ thể, giá cả thực phẩm tăng nhanh chóng khi Nga áp đặt lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác.

Đáng nói tỷ lệ lạm phát còn vượt xa so với mức tăng lương. Trong khi thu nhập chính thức của người dân cũng rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ thập niên 90. Theo Ngân hàng trung ương Nga, chi tiêu hộ gia đình của nước này đã giảm mất 9%, ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Còn theo số liệu Cục thống kê Rosstat, hơn 2,3 triệu người Nga đã rơi vào cảnh đói nghèo trong 9 tháng đầu năm 2015. Kế hoạch thiết lập tầng lớp trung lưu, một trong những điểm nhấn phát triển của chính quyền Tổng thống Putin, cũng bị đổ bể.

Lãi suất

Để giữ tỷ lệ lãi suất trong vòng kiểm soát, Ngân hàng trung ương Nga đã cố gắng duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức cao. Song so với mức cao kỷ lục 17% hồi năm 2014, tỷ lệ lãi suất của Nga đã giảm xuống còn 11%. Còn theo Rosstat, hoạt động đầu tư cũng đã giảm mất 5,5% trong vòng 10 tháng đầu năm 2015.

Tỷ lệ lãi suất cho vay cao là một trong những vấn đề liên quan tới nạn tham nhũng và quan liêu và trong xã hội Nga xưa nay. Đây là lý do trong buổi phỏng vấn hồi tháng 10/2015 trên kênh truyền hình quốc gia Channel One, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, ông Alexei Ulyukayev cảnh báo sẽ không có bất cứ khoản đầu tư nào tới nước Nga vì niềm tin vào các cơ quan tài chính và tương lai kinh tế Nga hiện không còn tồn tại.

Việc chính phủ Nga cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng nước ngoài là động lực để khuyến khích hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước.

Nhập khẩu

Việc đồng rúp hạ giá sẽ giúp khuyến khích dây chuyền sản xuất trong nước thay thế hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nước ngoài đắt đỏ. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, khi chính phủ ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm nước ngoài đồng thời kêu gọi khả năng tự cung tự cấp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản lượng nông phẩm của Nga cũng đã tăng lên nhanh chóng.

Trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế sụt giảm, "ngành nông nghiệp lại có bước phát triển tích cực và tăng trưởng ít nhất 3%", ông Putin phát biểu trong cuộc họp báo chí hồi tháng 12/2015.

Tuy nhiên, do thiếu tính cạnh tranh, chất lượng nông sản của Nga đang có dấu hiệu tụt dốc. Khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine bị đưa vào danh sách các nước cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga, quốc gia này có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hoa quả và rau củ trong năm 2016.

Thất nghiệp

Bất chấp tình trạng kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 5,5%. Các công ty và cơ quan chính phủ duy trì việc làm cho người lao động bằng cách giảm giờ làm và giảm giá nhân công.

Trong khi đó, số lượng lao động di cư tới Nga cũng đã giảm khi đồng rúp rớt giá. Theo số liệu của Cơ quan thống kế nhập cư liên bang Nga, trong năm 2015, số lượng công dân Tajikistan tại Nga đã giảm 100.000 người tương đương 10% và số lượng người Uzbekistan giảm hơn 330.000 người (15%).

Dư luận

Tỷ lệ ủng hộ đối với nhà lãnh đạo Putin vẫn duy trì ở mức cao khi các kênh truyền hình Nga thường xuyên đưa tin nhằm thuyết phục người dân nước này tin rằng những yếu tố bên ngoài hay tư tưởng chống Nga đều xuất phát từ tình trạng sụt giảm kinh tế.

Tuy nhiên, chiến lược này vẫn không thể khiến người dân Nga yên lòng. Trong cuộc khảo sát do VTsIOM tiến hành hồi tháng 12 năm ngoái, 1/4 số người tham gia trả lời nhận định khoản tài chính gia đình đang trong tình trạng tồi tệ.

Trước đó, vào cuối năm 2014, ông Putin từng nhấn mạnh khi giá dầu mỏ giảm xuống dưới 80 USD/thùng, "nền kinh tế toàn cầu sẽ bị phá hủy". Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cả nền kinh tế Nga và thế giới đều đang chứng minh sức chống chọi tốt hơn. Song nếu như giá dầu tiếp tục giảm trong năm nay, chắc chắn viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đó, Nga sẽ bước vào thời kỳ dài suy giảm cả về thu nhập và chất lượng cuộc sống kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế bao vây Liên Xô cũ. Và trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018, tình trạng đói nghèo hiện đang chiếm hơn 1/2 nền kinh tế Nga, sẽ còn quay trở lại.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Moscow Times - tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu tại Nga, phát hành từ năm 1992. The Moscow Times thuộc sở hữu của công ty Truyền thông Độc lập, công ty xuât bản truyền thông lớn của Nga.

Tin cùng chuyên mục