Thi công cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên |
Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố còn khiêm tốn do tổng số vốn đầu tư công năm 2023 được giao rất lớn, gấp 2 lần kế hoạch đầu tư công năm 2022 và tương đương 10% tổng mức đầu tư công của cả nước (711 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, tính về giá trị tuyệt đối, trong 9 tháng đầu năm 2023, TP.HCM là một trong những địa phương giải ngân vốn cao nhất cả nước.
Số liệu của Kho bạc Nhà nước TP.HCM cho thấy, đến ngày 22/9/2023, Thành phố giải ngân được 20.523 tỷ đồng, đạt 30% tổng số vốn đã giao. So với cùng kỳ năm 2022, giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn 10.235 tỷ đồng, tương đương gấp 2 lần.
Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân 95%. Để đạt mục tiêu này, TP.HCM thực hiện điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án, chủ đầu tư trong các tháng cuối năm. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Phạm Trung Kiên cho biết, trong tháng 9/2023, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định điều hòa vốn nội bộ của 24 chủ đầu tư với tổng số vốn điều hòa 1.077 tỷ đồng, từ dự án có tiến độ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao. Theo ông Kiên, đây là một trong những giải pháp căn cơ, quan trọng để TP.HCM hoàn thành mục tiêu giải ngân.
Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, nhiều dự án trên địa bàn có tiến độ thi công tốt, đạt khối lượng, giá trị lớn. Chẳng hạn, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã giải ngân được gần 400 tỷ đồng sau hơn 5 tháng thi công thực tế, đạt gần 40% vốn giao năm nay. Dự kiến trong năm 2023, Dự án sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, nhờ điều tiết nguồn vốn phù hợp, Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ những hạng mục cuối cùng để đưa các công trình cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ), mở rộng mạng lưới thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) về đích trong tháng 9/2023.
Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân của Tỉnh đạt thấp so với kế hoạch do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 của những dự án chậm tiến độ sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn. Sở cũng yêu cầu chủ đầu tư phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.
Theo đó, Dự án Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang làm bên mời thầu đang được ưu tiên, dồn lực để các nhà thầu gấp rút hoàn thiện các hạng mục.
Tại Bình Phước, ông Võ Sá, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, cơ quan này được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án, kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm. “Từ điều hòa, chuyển vốn nội bộ, nguồn vốn ngân sách tỉnh đang tập trung triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn gồm: Dự án Xây dựng đường giao thông phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Dự án Xây dựng hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Chơn Thành II; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường từ Khu công nghiệp Việt Kiều kết nối với Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico”, ông Sá nói và cho biết, tại các dự án được bổ sung vốn, các nhà thầu đã đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình về đích.
Theo đánh giá của nhiều địa phương, việc điều chuyển vốn từ dự án chậm triển khai sang dự án thi công nhanh, khối lượng vượt trội chính là “trợ lực” kịp thời cho các nhà thầu mạnh nhằm giúp dự án đẩy mạnh tiến độ giải ngân, hoàn thành đúng kế hoạch.