Sẽ có quyết sách về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 21/10/2021, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.
Trong Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về các chính sách quan trọng về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - ảnh Thành Chung
Trong Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về các chính sách quan trọng về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - ảnh Thành Chung

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp này, đặc biệt là quyết sách về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết về các chính sách quan trọng và nỗ lực tìm lời giải tốt nhất cho 2 vấn đề trên.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế. Trong phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Tuy nhiên, để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản. Tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta cho doanh nghiệp, nhân dân trong đại dịch Covid-19 hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất cho rằng, để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội tới đây thì phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. Tại sao kinh tế giảm sâu như vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, là trụ đỡ của nền kinh tế? Xuất khẩu tăng, dự kiến 10 tháng xuất khẩu tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước? Công nghiệp chế biến, chế tạo, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế… cũng tăng? Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Phải phân tích rất kỹ lưỡng để xem dư địa tăng trưởng ở đâu?

Nhất trí với đề xuất của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong Nghị quyết của Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội, văn hóa..., không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội mở ra như thế nào.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành, thực thi các chính sách phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế vừa qua. Theo đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương (Sơn La), tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ rất rõ ràng nhưng xuống đến địa phương thì việc triển khai thực hiện rất khác nhau. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp quá rộng, quá dài, quá mức cần thiết trong phòng, chống dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta đang phải trả giá bằng sự đi xuống của nền kinh tế.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các gói hỗ trợ về an sinh xã hội trong năm 2021 là rất quan trọng và được thực hiện rất bài bản, có lộ trình cụ thể, về cơ bản đến nay đã thực hiện xong và đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người (23.000 tỷ đồng) được hưởng thụ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải ngân ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học.

Về vấn đề lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Ngành đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động, được tích hợp trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục