Áp lực tỷ giá không còn là rào cản lớn

(BĐT) - Tỷ giá luôn là câu chuyện đáng bàn khi năm tài chính sắp kết thúc. Năm 2016 đang ở chặng cuối nhưng câu chuyện tỷ giá dường như đang diễn ra rất “êm” và làm “nhẹ đầu” nhà điều hành.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thị trường ngoại hối ổn định

Khác với những cam kết “cứng” ở những năm trước, ngay từ đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có bước chuyển mới khi điều hành tỷ giá theo hướng thả nổi có kiểm soát. Với việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, suốt hơn 10 tháng qua, thị trường ngoại hối hầu như “lặng sóng”.

Giới chuyên gia nhận định, thời gian qua, nếu không có sự can thiệp của NHNN thì tiền đồng đã tăng giá vài phần trăm. Nhưng đến thời điểm này, tỷ giá vẫn rất ổn định và NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Giám đốc điều hành VinaCapital Andy Ho cho rằng, cách điều hành tỷ giá mới này đã giúp ổn định tiền đồng, giảm rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư quốc tế. Tỷ giá vẫn là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm, song không phải là mối lo ngại và rào cản lớn nếu có cơ hội tốt.

Bản báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, sau một thời gian dài duy trì khá ổn định và ít biến động, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và thị trường phi chính thức tiếp tục duy trì và giữ vững sự ổn định. Chỉ số CDS có xu hướng giảm nhẹ và tỷ giá kỳ hạn NDF không có nhiều thay đổi so với tháng trước cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá hiện đang khá ổn định.

Cơ quan này phân tích, nguyên nhân là do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ và Bảng Anh. Cùng với đó, là động thái đón trước nhu cầu ngoại tệ có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 12. Cụ thể, cầu ngoại tệ đã có dấu hiệu nóng hơn thể hiện ở kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã chấm dứt xu hướng giảm so với năm trước và bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 9; tín dụng ngoại tệ đang tăng lên rõ rệt. Tính đến 30/9, tín dụng ngoại tệ tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm % so với tháng trước.

“Tuy nhiên, với nguồn cung ngoại tệ đang khá dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá), trong khi đó, các quốc gia tiếp tục chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như định hướng thận trọng các chính sách của Fed, thị trường ngoại hối không có áp lực trong những tháng cuối năm”, bản báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Trên thực tế, nguồn cung ngoại tệ dự báo tiếp tục tích cực trong quý III và những tháng cuối năm. Thông tin từ NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, sau 8 tháng, lượng kiều hối chuyển về địa bàn Thành phố qua các kênh chính thức đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối này đã được bán lại cho ngân hàng khá nhiều nên phần nào giúp nguồn cung ngoại tệ của các tổ chức tín dụng dồi dào hơn. 

Áp lực tỷ giá giảm

Nhu cầu nội địa đã hồi phục, cán cân thanh toán cân bằng hơn, cộng với mức độ lạm phát thấp... sẽ cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD
Về việc Fed tăng lãi suất USD vào dịp cuối năm, nhiều chuyên gia cũng không đánh giá cao khả năng này bởi hiện nay, lạm phát của Mỹ vẫn dưới 2%, kinh tế phát triển không như mong đợi nên mọi khả năng đều không chắc chắn. Do vậy, yếu tố bên ngoài tác động lên tỷ giá USD/VND là rất thấp.

Các chuyên gia cũng dự báo, nếu Fed không tăng lãi suất quá đột ngột thì tỷ giá tại Việt Nam sẽ không có nhiều biến động. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD, tuy nhiên, biên độ tăng chỉ nằm trong khoảng hẹp, ở mức 0,25% như lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed sau hơn một thập kỷ vào cuối năm 2015.

Ông Phạm Hồng Hải phân tích, việc tăng lãi suất của Fed cũng đã được dự liệu, nên sẽ không tạo ra “cú sốc” cho thị trường, cũng như gây áp lực lớn lên tỷ giá trong nước. Điều thị trường quan tâm nhất hiện nay là tốc độ tăng lãi suất của Fed trong tương lai sẽ như thế nào? Nếu Fed vẫn giữ tốc độ tăng lãi suất chậm và đều như trong thời gian qua thì cũng không có vấn đề quá lo ngại, thị trường tài chính vẫn sẽ ổn định. Ngược lại, nếu tốc độ tăng lãi suất của Fed nhanh sẽ là vấn đề đáng lo.

Còn theo đánh giá của ông Andy Ho, khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 12 tới là có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu Fed có tăng lãi suất vào cuối năm nay thì biên độ sẽ rất nhỏ, ít ảnh hưởng đến tỷ giá của tiền đồng, cũng như thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mua và bán trong quý còn lại của năm nay vì nhiều lý do khác nhau, không hẳn do tác động từ động thái của Fed.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng nhu cầu nội địa đã hồi phục, cán cân thanh toán cân bằng hơn, cộng với mức độ lạm phát thấp... sẽ cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD. Do đó, từ nay đến cuối năm xác suất tiền đồng bị phá giá tiếp là rất nhỏ.

Tin cùng chuyên mục