Cho phép xác thực khách hàng điện tử là cấp thiết

(BĐT) - Không chỉ các ngân hàng thương mại mà cả hệ thống tài chính đang mong chờ xác thực khách hàng điện tử (eKYC). Tuy nhiên, kể cả sau khi đã có hành lang pháp lý, vẫn còn nhiều việc phải làm để hình thức xác thực này đạt hiệu quả.  
eKYC mang lại lợi ích cho người dân, ngân hàng và cơ quan quản lý. ảnh: Internet
eKYC mang lại lợi ích cho người dân, ngân hàng và cơ quan quản lý. ảnh: Internet

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Dự thảo). Trong đó, sửa đổi lớn nhất liên quan đến việc cho phép ngân hàng thương mại (NHTM) được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ, còn được hiểu là eKYC.

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, việc cho phép xác thực khách hàng điện tử là cấp thiết bởi nhiều lợi ích thiết thực. eKYC mang lại lợi ích cho người dân, ngân hàng và cơ quan quản lý, trong đó, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tài chính mọi lúc mọi nơi, thuận tiện, linh hoạt, nhanh chóng.

Đối với ngân hàng thương mại, eKYC cho phép tiết kiệm thời gian, tiền bạc (đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực), hạn chế các rủi ro liên quan đến gian lận của khách hàng mà giao dịch viên khó phát hiện được (như làm giả chứng minh thư, căn cước…).

Đối với cơ quan quản lý, việc người dân tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng cũng giúp NHNN giám sát dòng tiền trong nền kinh tế tốt hơn và hỗ trợ cho công tác phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính vì mức độ xác thực và định danh khách hàng đạt tỷ lệ chính xác khá cao.

Thực tế, còn nhiều việc phải làm để đưa eKYC vào triển khai trong thực tế sau khi đã có hành lang pháp lý. Dự thảo đã quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ để thu thập và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của bản số hoá giấy tờ tuỳ thân... Như vậy, 2 vấn đề nổi lên đó là phải có hệ thống cơ sở dữ liệu định danh cá nhân và đi kèm với đó là công nghệ xác thực đáp ứng yêu cầu.

Trước hết, cơ sở dữ liệu định danh gồm dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân hoặc các ngân hàng tự xây dựng hệ thống nhận dạng thông qua sinh trắc học riêng, hệ thống nhận dạng của các ngân hàng cũng cần có sự liên thông với nhau và cần có sự thống nhất về khẩu vị rủi ro (cùng chấp nhận kết quả xác thực của nhau). Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân, kết quả triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư (theo Đề án 896) diễn ra khá chậm.

Về phía ngân hàng, hiện nay, một số ngân hàng tại Việt Nam cũng đã đầu tư một khoản chi phí lớn để xây dựng hệ thống nhận dạng thông qua sinh trắc học. Tuy nhiên, kết quả đến nay còn khá hạn chế, một phần là do eKYC chưa được áp dụng tại Việt Nam. 

eKYC được đánh giá là an toàn hơn và đem lại nhiều lợi ích hơn so với xác thực gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần bảo đảm 2 yếu tố chính là độ tin cậy và bảo mật thông tin khách hàng.

Do đó, để triển khai eKYC hiệu quả và an toàn, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV kiến nghị 3 điểm.

Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam có thể chuyển đổi số nhanh và thành công.

Bên cạnh đó, NHNN nên giao quyền chủ động cho các NHTM trong việc sử dụng các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để xác thực định danh khách hàng, giúp NHTM có thể tăng tính chủ động, ra quyết định nhanh trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tăng tính trách nhiệm của ngân hàng.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu khách hàng để khai thác chung nhằm tiết giảm chi phí giao dịch cho người tiêu dùng, ngân hàng và các chủ thể khác tham gia sau này.

Tin cùng chuyên mục