Doanh nghiệp ngại cơ quan thuế phân loại

(BĐT) - Theo dự thảo Bộ chỉ tiêu đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, các doanh nghiệp sẽ được đánh giá theo 3 mức: tốt, trung bình và thấp. Được đánh giá là bước chuyển đổi trong công tác quản lý về thuế nhưng cũng có một số ý kiến lo ngại sẽ có tình trạng đối xử bất bình đẳng với DN.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ai được hoàn thuế trước?

Theo Dự thảo, DN được xếp vào nhóm tuân thủ tốt phải đáp ứng đồng thời 9 tiêu chí, 15 chỉ số xoay quanh hai góc độ: chấp hành các quy định, nghĩa vụ về thuế và số thuế nộp so với vốn, doanh thu bình quân của ngành nghề, lĩnh vực mà DN hoạt động.

Với mỗi nhóm đối tượng tuân thủ, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp quản lý khác nhau. Nói như bà Từ Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Ban Quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế), nhóm DN được xếp loại tuân thủ tốt, không nằm trong nhóm rủi ro cao sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ tốt nhất về quản lý thuế, chẳng hạn ưu tiên hoàn thuế trước.

Tuy nhiên, bà Phan Thụy Tường Vy, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần xem xét về việc phân nhóm DN nêu trên. Theo bà Vy, một DN đã đáp ứng đủ các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Luật Thuế VAT, Luật Quản lý thuế thì đương nhiên phải hoàn thuế cho họ. Nhưng nếu những DN này bị cơ quan thuế đánh giá thấp về tính tuân thủ nhằm ưu tiên hoàn thuế cho DN khác thì sao?

Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (Hascon) thì cho rằng, giữa cơ quan quản lý thuế và phía nộp thuế là các DN vẫn còn một khoảng cách xa. Ngành thuế vẫn chưa hiểu hết những khó khăn nhất của DN hiện nay là gì.

Vì vậy, theo ông Thịnh, khi tiêu chí và chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với DN thì đòi hỏi giữa cơ quan quản lý thuế và DN phải thống nhất trong những chỉ tiêu đề ra. Việc xây dựng Bộ tiêu chí là cần thiết nhưng cần đánh giá trên cơ sở mặt bằng đồng bộ của DN. Bộ tiêu chí này cũng không thể tách khỏi các bộ luật mà DN đang bị chi phối.

Cần sự đồng hành

Trên thực tế, việc đề ra những tiêu chí về tuân thủ luật thuế được xem là một trong những cách thức áp dụng quản lý rủi ro để xếp loại DN nhằm quản lý thuế hiệu quả. Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, ở Việt Nam, khái niệm quản lý rủi ro vẫn còn xa lạ với cơ quan quản lý thuế và DN.

“Bây giờ DN lo làm ăn đã vất vả lắm rồi nên dễ có tâm lý lo lắng khi có các quy định mới về thuế. Nhưng việc ban hành Bộ chỉ tiêu đánh giá lần này là sự chuyển đổi phương thức quản lý của nhà nước từ tiền kiểm sang đồng hành cùng DN”, ông Hiếu nói.

Theo ông Phan Đức Hiếu, nỗ lực cải cách của Chính phủ đã xác định rõ chính quyền địa phương phải thay đổi phương thức quản lý Nhà nước mới, quản lý theo nguyên lý phân tích rủi ro, từ bị động sang tích cực. Do đó, ông Hiếu lưu ý, cơ quan xây dựng Bộ tiêu chí cần lắng nghe ý kiến DN để biết các chỉ số này có đúng, chính xác với thực tế kinh doanh không, những tiêu chí này có tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN lớn và DN nhỏ hay không?

Còn theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh TP.HCM, việc xây dựng Bộ tiêu chí phân loại DN cần được cân nhắc để tránh tạo thêm khó khăn của DN và nên có biện pháp hỗ trợ quản lý thuế tốt hơn nhằm đáp ứng mục tiêu ban đầu đề ra.

Tin cùng chuyên mục