Đón vốn ngoại vào các ngân hàng: Mở đến mức nào?

(BĐT) - Quá trình mở cửa đón dòng vốn ngoại đổ vào các ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, cần thận trọng để tính toán kỹ khả năng hấp thụ và sẵn sàng đối phó với những rủi ro từ bên ngoài.
Mở cửa lĩnh vực tài chính - ngân hàng là bài toán phức tạp, đòi hỏi quá trình tự do hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Ảnh: Minh Dũng
Mở cửa lĩnh vực tài chính - ngân hàng là bài toán phức tạp, đòi hỏi quá trình tự do hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Ảnh: Minh Dũng

Tác động tích cực tới thị trường

Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) EU nâng mức nắm giữ lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm và không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang nắm cổ phần chi phối.

Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại TCTD Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây là một bước tiến trong việc mở cửa thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam. Theo đó, việc mở cửa trong lĩnh vực này sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam cải thiện về năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, từ đó, tác động tích cực cho thị trường.

Tiếp tục mở cửa cùng cải thiện năng lực quản trị

Cùng quan điểm về thị trường ngân hàng sẽ có chuyển biến tích cực cùng với quá trình hội nhập, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng tiến trình mở cửa đã và đang diễn ra quá thận trọng trong thời gian qua. Theo ông Hiếu, tiến trình này cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, để kịp thời nắm bắt cơ hội tái cơ cấu các ngân hàng cũng như cơ hội phát triển và hội nhập trên thị trường khu vực và quốc tế.

“Thực tế cho thấy, tại những ngân hàng có vốn ngoại, năng lực quản trị được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia và đẩy mạnh hoạt động tại các ngân hàng Việt Nam nhưng giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần khiến họ không muốn vào. Nếu không nắm vai trò chi phối, các nhà đầu tư không có quyền quyết định nên họ e dè”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, theo ông Thành, về trung và dài hạn, mở cửa lĩnh vực tài chính - ngân hàng là bài toán phức tạp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Bởi lẽ, song song với việc mở cửa là quá trình tự do hóa mạnh mẽ trong lĩnh vực này, đặc biệt, dần tính đến tự do hóa tài khoản vốn và đưa VND trở thành đồng tiền có khả năng chuyển đổi.

Mặt khác, việc này cần gắn liền với năng lực hấp thụ vốn, khả năng giám sát tài chính và quản lý rủi ro. Bởi, hệ thống ngân hàng là huyết quản của nền kinh tế nên bất kỳ một biến động về dòng vốn tín dụng cũng có thể ảnh hưởng đáng kể. Về trung và dài hạn, việc tiếp tục tự do hóa thị trường tài chính - ngân hàng là cần thiết, song lộ trình và mức độ tự do hóa cần tính toán thận trọng.

Ông Hiếu cho rằng, để ứng phó với các rủi ro, nên tiến hành song song việc mở cửa và cải thiện năng lực quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quá trình mở cửa hiện diễn ra chậm chạp, trong khi năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng và cơ chế quản lý đang cải thiện tích cực và mạnh mẽ.

“Một khi đã góp vốn với tỷ lệ lớn và đầu tư lâu dài, giới đầu tư nước ngoài sẽ không dễ dàng có các động thái bất lợi và bất ngờ cho thị trường. Mặt khác, khả năng gây rủi ro đối với thị trường của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có xác suất tương đồng. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống quản lý và kiểm soát các TCTD của Việt Nam đang vận hành rất tốt và có thể ứng biến với các biến động và rủi ro từ cả nội tại và bên ngoài nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục