Fed giảm lãi suất: Tỷ giá USD/VND có bị ảnh hưởng?

(BĐT) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giảm lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong năm nay. Thị trường ngoại hối dự kiến sẽ có biến động sau động thái này, song mức độ tác động không lớn. Có ý kiến cho rằng VND sẽ chỉ giảm giá tối đa 1% so với USD trong cả năm nay.
Các cân đối cung cầu tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam đang rất ổn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Các cân đối cung cầu tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam đang rất ổn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Đúng như dự đoán của giới phân tích tài chính thế giới, ngày 30/10, Fed thông báo tiếp tục hạ 0,25% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1,75 - 2% hiện nay xuống biên độ 1,5 - 1,75%, đồng thời cho biết nhiều khả năng sẽ không tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Trước đó, 90% các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin tài chính Bloomberg dự báo Fed sẽ giảm lãi suất ở mức này.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn đưa ra một đánh giá khá lạc quan về nền kinh tế Mỹ, nhấn mạnh đà tăng trưởng việc làm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục tăng với tốc độ mạnh mẽ. Dù vậy, Fed nhận định rằng, đầu tư kinh doanh và khu vực xuất khẩu vẫn yếu.

Động thái giảm lãi suất của Fed diễn ra giữa bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều phát đi những tín hiệu khả quan về đàm phán thương mại, hai bên đang hướng tới việc ký kết thỏa thuận tại hội nghị APEC diễn ra tại Chile vào 16 - 17/11 tới. Dù Trung Quốc đón nhận một số thông tin không tích cực từ nền kinh tế nhưng tín hiệu cải thiện trong mối quan hệ với Mỹ hỗ trợ đồng nhân dân tệ hồi phục trên thị trường.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND đã giữ ổn định trong thời gian qua. Ngày 31/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.145 đồng, không đổi so với phiên giao dịch trước đó. Tương tự, tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ ở mức mua vào là 23.200 đồng và bán ra ở mức 23.789 đồng.

Về nguồn ngoại tệ, nguồn vốn FDI giải ngân trong tháng 10 là 2 tỷ USD, cán cân thương mại đang thặng dư 6,8 tỷ USD. Việt Nam nằm trong nhóm nước nhận kiều hối lớn, ước đạt 16,7 tỷ USD trong năm nay (theo Ngân hàng Thế giới).

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND đã giữ ổn định trong thời gian qua. Ngày 31/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.145 đồng, không đổi so với phiên giao dịch trước đó.
Bình luận về động thái này của Fed và tác động đối với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, có thể có tác động với kinh tế và thị trường tài chính nói chung nhưng không nhiều bởi một số lý do.

Trước hết, động thái giảm lãi suất của Fed đã được dự báo nên thị trường đã có sự chuẩn bị. Quan trọng hơn, Fed đưa ra tín hiệu có thể sẽ không giảm lãi suất tiếp vì kinh tế Mỹ đã bớt ảm đạm và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang được đàm phán theo hướng tích cực, khả quan. Do đó, giới đầu tư đều cảm nhận là sẽ bớt rủi ro trong thời gian tới.

Mặt khác, xét tương quan đồng nhân dân tệ của Trung Quốc với đồng USD, từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ chỉ giảm giá hơn 3% so với USD. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc không phá giá tiền tệ mà cơ bản là do tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi nên đồng tiền giảm giá. Vì vậy, tỷ giá giữa nhân dân tệ và VND cũng sẽ không biến động lớn.

“Đáng chú ý, các cân đối cung cầu tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam đang rất ổn, hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi tin là tỷ giá sẽ được giữ ổn định”, ông Lực nói.

Về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, vị chuyên gia này nêu quan điểm: “Đầu năm nay với những điều kiện kinh tế ở thời điểm đó, tôi từng dự báo là VND giảm giá khoảng 2% trong năm nay. Song tình thế theo xu hướng tích cực hơn, VND chỉ giảm giá khoảng 0,12% so với USD tính từ đầu năm. Vì vậy, tôi nghĩ là cả năm nay, VND sẽ chỉ giảm giá tối đa 1% so với USD”.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, can thiệp thị trường linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi có điều kiện thuận lợi.

Tin cùng chuyên mục