Ì ạch chuyển giao doanh nghiệp về SCIC

(BĐT) - Kết quả nghiên cứu về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, việc chuyển giao quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rất chậm trễ và ngày càng khó khăn.
Hiện còn tới 173 DNNN thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất. Ảnh: Bích Diệp
Hiện còn tới 173 DNNN thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất. Ảnh: Bích Diệp

Nhiều vướng mắc

Theo Báo cáo, lũy kế đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận hơn 9.900 tỷ đồng (theo giá thị trường là 15.000 tỷ đồng), tương đương gần 1% tổng số vốn nhà nước tại DN. Trong đó, hơn 80% là DN nhỏ hoạt động kém hiệu quả, số DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%.

Số lượng DN và giá trị vốn nhà nước chuyển giao về SCIC giảm dần qua các năm. Nếu như trong 2 năm 2006 - 2007, số lượng chuyển giao về SCIC đạt 844 DN thì từ năm 2009 đến 2016 con số này chỉ dao động từ 12 đến 22 DN. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, UBND tỉnh nghiêm túc thực hiện chuyển giao các DNNN về SCIC trước quý I/2017, nhưng đến nay việc chuyển giao vẫn chưa thực hiện. Báo cáo của SCIC cho biết, hiện còn tới 173 DNNN thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất, trong đó Bộ Công Thương có 8 DN, Bộ Giao thông vận tải có 5 DN…

Báo cáo của CIEM cho biết, theo quy định, việc chuyển giao diễn ra sau khi kết thúc quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa hoàn thành việc sắp xếp, chuyển đổi sở hữu theo phương án đã được phê duyệt giai đoạn 2011 - 2015 nên chưa thể tiến hành chuyển giao. Nhiều DN thuộc đối tượng chuyển giao theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP, nhưng các bộ, UBND cấp tỉnh tiếp tục quản lý DN theo các văn bản chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền. Thậm chí, một số địa phương giữ quan điểm không chuyển về SCIC vì các DN phục vụ cho sự phát triển của địa phương, kể cả DN không cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích…

Mặt khác, một số quy định về tiêu chí xác định đối tượng chuyển giao chưa rõ ràng nên khó thống nhất về đối tượng chuyển giao. Quy định về chế tài xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa rõ, nên không tạo được áp lực để thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  

Sớm thành lập cơ quan chuyên trách

Một số địa phương giữ quan điểm không chuyển về SCIC vì các DN phục vụ cho sự phát triển của địa phương, kể cả DN không cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích…
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc chậm trễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về SCIC, Báo cáo CIEM nhấn mạnh, cần tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, UBND cấp tỉnh về SCIC. Những bất cập trong cơ chế, chính sách về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020.

Theo hướng này, Báo cáo kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương thực hiện yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN chậm nhất đến năm 2018. Cụ thể là sớm ban hành Nghị định thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN nhằm thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý nhà nước.

Về mô hình tổ chức, cơ quan chuyên trách sẽ thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC và các DNNN quy mô lớn quan trọng thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài. SCIC làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn lại được chuyển giao từ các bộ, ngành, địa phương. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thực hiện theo cơ chế bàn giao nguyên trạng. Cơ quan chuyên trách có trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Tin cùng chuyên mục