Khống chế chi phí lãi vay: Gỡ khó thế nào?

(BĐT) - Từ tháng 5 năm ngoái, nhiều doanh nghiệp liên tục kiến nghị cơ quan thuế cần có hướng dẫn cụ thể và sửa đổi nội dung khống chế chi phí lãi vay tại các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết, song đến nay, công văn của 39 DN về vấn đề này vẫn chưa có câu trả lời.
Việc khống chế chi phí lãi vay tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tạo rào cản trong việc huy động vốn cho dự án đầu tư dài hạn
Việc khống chế chi phí lãi vay tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết tạo rào cản trong việc huy động vốn cho dự án đầu tư dài hạn

2 lần áp trần, 2 lần tính thuế

Điểm gây tranh cãi nhiều nhất tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP (NĐ 20) về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết là Khoản 3, Điều 8: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA)”.

Là một trong những DN đã gửi công văn đến Bộ Tài chính từ tháng 3 năm nay, Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (NĐQN) cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn với cách tính chi phí lãi vay tại NĐ 20.

Cụ thể, NĐQN có 2 khoản vay ngoại tệ nhận nợ lại khoản vay giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

EVN hiện nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Phát điện 1. Tổng công ty Phát điện 1 góp 42% vốn NĐQN. Do đó, theo quy định tại NĐ 20, NĐQN và EVN là bên liên kết.

Tính đến 31/12/2017, khoản vay lại của NĐQN từ EVN chiếm tỷ lệ 82% trên tổng dư nợ các khoản vay của NĐQN. Như vậy, phần lãi vay trong năm 2017 vượt 20% EBITDA sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

NĐQN cho rằng, đối với các khoản vay EVN vay từ China Eximbank và cho NĐQN vay lại, chi phí lãi vay phát sinh tính trên một khoản vay sẽ bị áp trần 2 lần. Kết quả là, phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị tính thuế hai lần tại NĐQN và EVN.

Theo NĐQN, quy định này tạo rào cản trong việc cho vay dự án đầu tư dài hạn cần nguồn vốn đầu tư lớn như nhiệt điện, làm giảm khả năng tạo ra lợi nhuận do lãi vay không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế.

Cùng kiến nghị gỡ khó với quy định khống chế lãi vay, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho biết, LILAMA hoạt động trong lĩnh vực tổng thầu EPC chuyên về xây lắp, chế tạo cơ khí các công trình công nghiệp có quy mô vừa và lớn. Tỷ suất lợi nhuận gộp lĩnh vực tổng thầu EPC thấp, vốn chủ sở hữu của LILAMA nhỏ, việc tăng vốn còn khó khăn, do đó, LILAMA phải huy động lượng vốn vay lớn từ các tổ chức tín dụng dẫn đến phát sinh chi phí lãi vay cao vượt xa mức trần theo quy định tại NĐ 20.

Quy mô vốn của các công ty thuộc LILAMA nhỏ, nên để tạo lợi thế cạnh tranh, công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết đã liên kết thành một tổ hợp gồm các công ty cùng thực hiện và đảm đương từng phần việc theo thế mạnh của từng công ty. Vì vậy, để tránh quy định khống chế lãi vay với giao dịch liên kết như trên thì LILAMA phải giao việc cho các nhà thầu phụ bên ngoài, điều này có thể làm giảm tính cạnh tranh.

“Nếu thực hiện quy định về chi phí lãi vay nêu trên, tình hình tài chính của LILAMA sẽ càng khó khăn hơn, nhiều công ty có thể chịu tình trạng lỗ nhiều hơn và khó có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, LILAMA đề nghị Chính phủ sửa đổi chính sách.

Cơ quan thuế vẫn đang nghiên cứu

Tổng cục Thuế cho biết, đang tổng hợp các kiến nghị và nghiên cứu hướng xử lý những vướng mắc tại các kiến nghị này. Theo đó, các kiến nghị yêu cầu hướng dẫn cách xác định tổng chi phí lãi vay đã vốn hóa, chi phí lãi vay đã bị trừ do chưa góp đủ vốn điều lệ, do lãi suất vay vượt mức quy định; việc chuyển lãi vay chưa được khấu trừ hết trong kỳ tính thuế này sang kỳ tính thuế kế tiếp...; và đặc biệt là kiến nghị về việc xem xét tính phù hợp của quy định này trong khuôn khổ NĐ 20.

Qua công tác tư vấn thuế cho các doanh nghiệp, bà Hương Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam cho biết, việc thực thi quy định về khống chế chi phí lãi vay tại NĐ 20 đang có nhiều vấn đề chưa rõ và có sự hướng dẫn khác biệt tại các cục thuế địa phương.

Với các bất cập như DN đã nêu, bà Hương đề xuất 4 cách gỡ khó. Một là, cho phép DN chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau trong trường hợp chi phí lãi vay vượt mức khống chế.

Hai là, đối với tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có thể áp dụng tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba/EBITDA trên báo cáo tài chính hợp nhất và áp dụng tỷ lệ cho từng công ty trong tập đoàn, tức là, chi phí lãi vay của công ty mẹ và công ty con có thể được “cấn trừ” cho nhau.

Ba là, đưa ra những phương pháp đặc biệt đối với các công ty mới đi vào hoạt động hoặc mới có doanh thu.

Bốn là, cho phép tính mức khống chế lãi vay ròng thay vì lãi vay thuần.

Bà Hương cũng cho rằng, việc thực thi các giải pháp chống hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế là cần thiết, song không nên làm “chắc” quá khiến nhiều DN có thể “chết lăn”.

Tin cùng chuyên mục