Lãi suất có thể giảm tiếp để hỗ trợ doanh nghiệp

(BĐT) - Lãi suất đang có xu hướng giảm do tác động từ dịch Covid-19. Thêm vào đó, việc Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng sẽ góp phần đẩy mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Một số ngân hàng đã thực hiện giãn, giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngân hàng đã thực hiện giãn, giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tuần cuối tháng 2, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,2 - 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6 - 7,5%/năm.

Về lãi suất cho vay, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất đã giữ từ cuối năm ngoái.

Trong khi đó, từ đầu tháng 3, đã có một số ngân hàng công bố giảm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Chẳng hạn, Ngân hàng ABBank công bố từ ngày 6/3, những cá nhân gửi số tiền dưới một tỷ đồng, kỳ hạn 18 - 36 tháng, lãi suất sẽ giảm từ 7,9% xuống còn 7,7% một năm.

Trước đó, VPBank áp dụng mức lãi suất mới từ ngày 3/3 giảm 0,05 - 0,15% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này hiện còn 6,9 - 7,1% một năm khi gửi tại quầy và 7 - 7,1% khi gửi online.

Về lãi suất cho vay, một số ngân hàng đã thực hiện giãn, giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Như BIDV giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1% mỗi năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5% một năm đối với USD.

Ngân hàng SHB hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. Theo đó khách hàng được giảm lãi suất lên tới 1,5% một năm so với thông thường đối với các khoản vay bằng VND và 0,5% mỗi năm bằng USD.

Đáng chú ý, tại Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Trước các thông tin đó, nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới, song mức độ giảm còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.

“Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, việc giảm lãi suất của các ngân hàng cũng xuất phát từ thực trạng cung - cầu trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu để bán hoặc không bán được hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên họ cũng không muốn vay. Mặt khác, nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp thấp thì nhu cầu huy động vốn từ ngân hàng cũng giảm theo nên lãi suất huy động sẽ giảm”, ông Hiếu phân tích.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất huy động đang có xu hướng giảm nhẹ do tác động từ dịch bệnh. Theo phân tích của BVSC, tín dụng hai tháng đầu năm mới tăng 0,77% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 1,07%, do đó, lãi suất huy động tới đây có thể tiếp tục đi xuống, nhưng không quá nhiều.

Nhóm nghiên cứu của BVSC cho rằng, nếu diễn biến dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Trên cơ sở đó, lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhẹ nhằm tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi vay cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục