Minh bạch hoạt động doanh nghiệp nhà nước, cần có chế tài đủ mạnh

(BĐT) - Ngày 18/9/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... 
Công khai tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo tiền đề tốt cho công cuộc cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên
Công khai tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo tiền đề tốt cho công cuộc cổ phần hóa. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với nhiệm vụ được giao, đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện Nghị định. Thế nhưng, tình hình công bố thông tin của DNNN vẫn hết sức trì trệ.

Thông tin hạn chế

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến 20/9/2016 mới chỉ có 32,41% DNNN công bố thông tin (140 trên 423 DNNN thuộc diện phải công bố thông tin). Tuy nhiên, các nội dung mà các DNNN công bố phần lớn chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định 81. 

Đơn cử, theo quy định, với báo cáo tài chính năm 2015, thời hạn công bố báo cáo tài chính là vào ngày 31/5/2016. Thời hạn công bố báo cáo tài chính bán niên 2016 là vào ngày 15/8/2016.

Theo quan sát của Báo Đấu thầu, trong tháng 10 và tháng 11 năm nay, sau khi Bộ KH&ĐT đưa ra con số thống kê về tình hình công bố thông tin, một số DNNN mới bắt đầu công bố báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016. Một số doanh nghiệp lần đầu tiên mới công bố thông tin hoạt động, sau hơn 1 năm Nghị định 81 được ban hành. Có thể kể đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đồng Tháp IV - DNNN trực thuộc UBND tỉnh Long An, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam - DNNN trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp - DNNN trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được coi là một “điển hình thua lỗ” của DNNN trong mấy năm trở lại đây. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Vinalines đứng đầu về lỗ lũy kế với khoản lỗ tới 3.346 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015. Đấy là con số đã tạm gọi là khả quan khi cách đó 1 năm, Vinalines lỗ tới 19.208 tỷ đồng. Việc giảm lỗ lũy kế một cách phi thường như vậy được cho là nhờ các “biện pháp kỹ thuật” khi Tổng công ty này cho giải thể các đơn vị kinh doanh thua lỗ. Về bản chất, hậu quả thua lỗ của Vinalines và các đơn vị phụ thuộc không giảm đi là bao.

Đến cuối tháng 10 vừa qua, Vinalines mới tiếp tục công bố báo cáo tài chính bán niên 2016, “trễ” hơn 2 tháng so với quy định. Báo cáo cho thấy, tình hình của Vinalines còn bê bết hơn khi trong nửa đầu năm 2016, Tổng công ty lỗ tiếp 521 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên tới 4.032 tỷ đồng, củng cố ngôi vị quán quân thua lỗ. Kế hoạch lợi nhuận 126 tỷ đồng năm 2016 dường như càng xa vời, đặc biệt trong diễn biến thị trường vận tải biển quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

DNNN được quy định là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Công khai tình hình hoạt động DNNN không chỉ khiến môi trường kinh doanh minh bạch hơn, mà còn tạo tiền đề tốt cho công cuộc cổ phần hóa DNNN về sau. Việc cổ phần hóa DNNN chậm trễ, một phần cũng do hạn chế trong việc công bố thông tin của các doanh nghiệp này. 

Chưa có chế tài xử phạt

Khi các thông tin về hoạt động của DNNN được “hé lộ” thường đi kèm với kết quả kinh doanh kém hiệu quả, nặng gánh nợ vay, thù lao khủng dành cho lãnh đạo… thì yêu cầu minh bạch thông tin lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết
Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nguyên nhân của những trì trệ nói trên là do người được giao trách nhiệm chưa nghiêm túc. Các lãnh đạo ngành, với tư cách là đại diện chủ sở hữu, dường như đã quên đi trách nhiệm trong công tác này. Khi “ông chủ” sở hữu mà chưa hành động, chưa muốn công khai thì xu hướng che đậy thông tin ở cấp dưới hoàn toàn không khó hiểu.

Ông Cung cho rằng, cần áp dụng kỷ luật, kỷ cương như trên thị trường chứng khoán đối với các DNNN không thực hiện quy định về công bố thông tin. Theo đó, đơn vị nào chậm công bố thông tin cứ phạt tiền và “bêu tên” trên báo chí. Khi DNNN cố tình không thực hiện quy định thì tính đến chuyện cách chức, bãi nhiệm những người có liên quan.

Rõ ràng, so với công ty cổ phần, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, DNNN đang có lợi thế nhất định nhờ nguồn gốc nhà nước của mình. Trong khi các công ty đại chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, phải nghiêm ngặt thực hiện theo đúng quy định, ngay lập tức chịu cảnh báo, phạt hành chính nếu vi phạm, thì chế tài tương tự đối với DNNN là chưa có. Sẽ là không công bằng với các chủ thể kinh tế khác khi DNNN được “ưu ái” nhiều đến vậy.

Đặc biệt, khi các thông tin về hoạt động của DNNN được “hé lộ” thường đi kèm với kết quả kinh doanh kém hiệu quả, nặng gánh nợ vay, thù lao khủng dành cho lãnh đạo… thì yêu cầu minh bạch thông tin lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục