Ngân hàng rục rịch giảm kế hoạch lợi nhuận

(BĐT) - Đã có ngân hàng công bố chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch năm nay giảm đáng kể so với năm ngoái. Xu hướng này được dự báo sẽ còn diễn ra ở nhiều ngân hàng khi nền kinh tế gặp khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp và việc xử lý nợ xấu gặp thêm trở ngại.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Trần Việt
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Trần Việt

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 của NamABank ở mức 800 tỷ đồng, giảm gần 14% so với con số thực hiện trong năm 2019.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 nêu rõ kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu 9% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đó là mục tiêu lợi nhuận được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất vào cuối tháng 3/2020. Nếu tình hình kiểm soát dịch khó khăn và phức tạp hơn, Ngân hàng sẽ linh hoạt xây dựng kịch bản để báo cáo NHNN. BIDV cũng cho biết, huy động vốn 2 tháng đầu năm 2020 giảm 1,6%, dư nợ tín dụng cũng giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2020 diễn ra đầu tháng 1/2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 12.600 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 13%.

Diễn biến lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nêu trên tương ứng với đánh giá của NHNN. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước và là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

NHNN cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Không ít ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, có thể nhiều ngân hàng công bố giảm kế hoạch lợi nhuận, bởi doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên sẽ giảm vay nợ. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng có thể khiến giá bất động sản giảm, từ đó gây thiệt hại với các khoản cho vay thế chấp bằng bất động sản của các ngân hàng.

Phân tích về các yếu tố có thể làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nêu một số điểm đáng lưu ý.

Trước hết là nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong năm nay sẽ không tăng mạnh như những năm trước. Như vậy, lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng sẽ giảm. Đồng thởi, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, dẫn đến việc phải tăng trích lập dự phòng, từ đó kéo giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm giảm một phần lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, hoạt động dịch vụ của ngành ngân hàng năm nay cũng có thể sụt giảm.

Trong đó, dịch vụ bảo hiểm - chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của nhiều ngân hàng những năm gần đây - có thể sẽ giảm, bởi lẽ, bảo hiểm là một trong những chi phí cần cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn. Dù hoạt động giao dịch trực tuyến có thể khởi sắc, song mức phí thu từ dịch vụ này thấp nên lợi nhuận không đáng kể.

Về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, ông Lực cho biết, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu thuộc BIDV, tăng trưởng tín dụng quý I/2020 chỉ đạt khoảng 1 - 1,5%, thấp hơn mức tăng 1,9% của cùng kỳ năm 2019; tăng trưởng tín dụng của cả năm 2020 chỉ ở mức 9 - 10%, thấp hơn nhiều so với mức tăng khoảng 13 - 14% theo định hướng từ đầu năm của NHNN.

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19 với các ngành kinh tế, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho rằng, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân. Nhiều lĩnh vực bị siết lại hoạt động như hàng không, giao thông vận tải…, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Phía trước còn rất nhiều việc phải bàn và nghiên cứu, từng bước xác định rõ cách thức và mức độ hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách đối với nền kinh tế cũng như hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân để bảo đảm mục tiêu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục