Nợ công dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước

(BĐT) - Có một nhận xét đáng chú ý là, số liệu về nợ công có chính xác hay không, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) không khẳng định được, vì không có đủ bằng chứng để xác nhận.
Chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 còn 26.169 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán. Ảnh: Ngân Hà
Chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 còn 26.169 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán. Ảnh: Ngân Hà

Hơn 26.000 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán

KTNN cho biết, Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện thu cân đối NSNN là 1.130.609 tỷ đồng; chi cân đối NSNN là 1.339.489 tỷ đồng; bội chi NSNN là 249.362 tỷ đồng, bằng 6,33% GDP thực tế. Tuy nhiên, trong tổng số quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 còn có 26.169 tỷ đồng vốn ngoài nước giải ngân vượt dự toán nhưng chưa có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Như vậy, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 còn có 26.169 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán. KTNN đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định bổ sung dự toán, quyết toán ngân sách năm 2014 số tiền này.

Cũng theo KTNN, Bộ Tài chính ghi thu, ghi chi chưa kịp thời, đúng niên độ các khoản vốn vay nước ngoài đã rút từ năm 2014 trở về trước để bù đắp bội chi 2.746 tỷ đồng và cho vay lại 300,8 tỷ đồng đã dẫn đến Báo cáo quản trị NSNN năm 2014 phản ánh thiếu 3.046,8 tỷ đồng. Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp thuộc KTNN nhấn mạnh, số liệu về nợ công có chính xác hay không, KTNN không khẳng định được vì không đủ bằng chứng để từ đó làm cơ sở xác nhận.

Đối với các khoản vay Chính phủ bảo lãnh, hầu hết dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản. Các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về tỷ giá và lãi suất. Nhiều dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, dừng sản xuất kinh doanh, phải bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.

Đáng chú ý, một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; không bố trí đủ dự toán để trả nợ; 19 trong số 50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại thời điểm 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN.

Dự án BOT giảm thời gian thu phí do chi phí giảm

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho rằng cần chấm dứt “cơ chế mềm”

Một vấn đề mà báo chí quan tâm là những sai phạm trong việc xây dựng các trạm thu phí BOT. Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho hay, qua kiểm toán, các trạm thu phí hiện tại cơ bản được bố trí theo khoảng cách đúng quy định.

Ông Quý cho biết, theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí là 70km. Nếu khoảng cách trạm thu phí dưới 70km, nhà đầu tư có quyền thỏa thuận với địa phương và báo cáo Bộ Tài chính. Qua kiểm toán, các trạm thu phí có khoảng cách dưới 70km đều được địa phương đồng ý và đã báo cáo Bộ Tài chính, tức đã thực hiện đúng quy định. Điều này dẫn đến tình trạng có trạm thu phí cách nhau chỉ 40km, như khoảng cách từ trạm thu phí của Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+614 tỉnh Quảng Bình đến Trạm thu phí hầm Đèo Ngang.

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho rằng cần chấm dứt “cơ chế mềm”. KTNN đã kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi cơ chế, không để trường hợp ngoại lệ phổ biến như vậy, phải quy định rõ 70km là 70km. Hơn nữa, quy định hiện nay chỉ xác định khoảng cách trên một tuyến, thành ra có trường hợp, vừa ra khỏi tuyến này gặp ngay trạm BOT của tuyến khác.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI thông tin thêm về trường hợp dự án BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) có thể giảm thời gian thu phí 5 năm. Ông Tuấn cho biết, quá trình kiểm toán đã xem xét phương án tài chính, hợp đồng đã ký ban đầu với thực tế tại thời điểm kiểm toán. Sở dĩ thời gian thu phí có thể giảm 5 năm là do chi phí đầu tư dự án giảm và lưu lượng xe thực tế tăng so với dự toán ban đầu. Chí phí giảm do thời điểm xây dựng dự án, lãi suất thị trường là 13,4% nhưng khi thực hiện dự án thì lãi suất giảm chỉ còn 9,5%. Về vốn vay, theo phương án ban đầu, nhà đầu tư chỉ có 15% vốn của chủ đầu tư, còn lại là vốn vay, nhưng khi vào thực tế dự án thì nhà đầu tư tăng vốn của chủ đầu tư lên 65%. Hai yếu tố này đã làm cho chi phí lãi vay giảm và kéo chi phí dự án xuống thấp. Thời điểm dự án đưa vào khai thác thì lưu lượng xe tăng lên và mức phí cũng tăng do quy định thay đổi.

Tin cùng chuyên mục