Thuế đối với túi nilon chưa thay đổi thói quen người tiêu dùng

(BĐT) - Thuế đối với túi nilon tuy có tăng nhưng chưa đạt được hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu thay đổi thói quen người tiêu dùng. Do đó, cần tính toán thêm chi phí thay đổi thói quen người tiêu dùng để đánh thuế sao cho muốn sử dụng túi nilon dùng một lần thì phải trả tiền.
Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon hiện ở mức 50.000 đồng/kg. Ảnh: Internet
Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon hiện ở mức 50.000 đồng/kg. Ảnh: Internet

Đó là đề xuất từ khía cạnh chính sách thuế, phí của các chuyên gia về môi trường nhằm hạn chế rác thải nhựa.

Tại Hội thảo “Không để nhựa thành rác” ngày 22/10, ông Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để hạn chế rác thải nhựa, một trong những việc cần làm là hoàn thiện quy định về thuế, phí, xử lý vi phạm liên quan đến chất thải rắn, chất thải nhựa.

Về thuế đối với túi nilon, tháng 9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg, Việc này được coi là để góp phần hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, quan sát tác động của thuế túi nilon với bảo vệ môi trường thời gian qua, theo ông Thi, thuế đối với túi nilon ở mức như vậy là chưa đạt được hiệu quả và mục tiêu thay đổi thói quen người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh đề xuất tính thêm phí để thay đổi thói quen người tiêu dùng, vị chuyên gia này cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế thu phí thu gom, xử lý rác thải, việc định lượng phải căn cứ vào khối lượng và loại rác thải. Đồng thời, cần thực hiện việc giám sát và xử lý vi phạm hành chính, xử lý bằng các biện pháp phù hợp đối với hành vi vứt rác bừa bãi.

Từ góc độ khác, TS. Bùi Đức Hiển, Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa, cần hạn chế đầu tư các dự án về sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần.

“Nếu vẫn chấp nhận các dự án sản xuất nhựa hoặc sản xuất các sản phẩm từ nhựa thì các dự án này phải đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; được đánh giá tác động môi trường đầy đủ; nghiên cứu quy định sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa thân thiện môi trường; nghiên cứu các vật liệu thay thế các sản phẩm từ nhựa; có thể đánh thuế để nâng giá thành với các các sản phẩm từ nhựa”, ông Hiển nhấn mạnh.

Theo thống kê, mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng trung bình khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.

Theo số liệu Bộ Tài chính công bố, kim ngạch nhập khẩu túi nilon thuộc diện chịu thuế BVMT trong những năm qua như sau: Năm 2016 là 65,63 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 20,1 tỷ đồng; năm 2017 là 64,61 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 22,7 tỷ đồng; 8 tháng năm 2018 là 45,68 triệu USD, số thuế BVMT phải thu là 19,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, số thu thuế BVMT đối với túi nilon sản xuất trong nước năm 2016 khoảng 56 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 54 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục