Tìm cách tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước

(BĐT) - Có thể tăng vốn cho một số ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu theo danh mục doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn. 
Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh tiền tệ. Ảnh: Tường Lâm
Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh tiền tệ. Ảnh: Tường Lâm

Nội dung này đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến tại Dự thảo Nghị định sửa các quy định liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đầu tư, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước là yêu cầu bức thiết đã từng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu tại các kỳ họp Quốc hội với kiến nghị cho phép dùng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng này. Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 quy định không sử dụng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng. Do đó, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước bằng ngân sách nhà nước là không phù hợp.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2018/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Trong đó đã bổ sung “ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối” vào danh mục ngành, lĩnh vực doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Theo một thành viên của Ban soạn thảo, nếu nội dung tăng vốn như trên tại Dự thảo Nghị định sửa đổi được ban hành, các ngân hàng cổ phần này có thể tăng vốn điều lệ thông qua sử dụng một phần cổ tức của doanh nghiệp để bổ sung vốn điều lệ theo cách chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo đó, khi ngân hàng quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu sẽ tăng quy mô vốn điều lệ nhưng vẫn giữ tỷ lệ góp vốn của các cổ đông. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, cổ tức được chia bằng tiền là nguồn thu ngân sách nhà nước, còn cổ tức bằng cổ phiếu của cổ đông Nhà nước khi được bán thì số tiền thu được mới là nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã "tiến sát ngưỡng cho phép" theo quy định Basel II. Trong trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả là có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật số 69/2014/QH13, chỉ có một số loại hình doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Hướng dẫn nội dung này, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP cụ thể hoá danh mục về lĩnh vực Nhà nước phải bổ sung vốn để giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trong đó, không có “ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối”.

Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước có vai trò quan trọng là công cụ bảo đảm an ninh tiền tệ, nên theo một thành viên Ban soạn thảo, cách bổ sung danh mục như trên vừa phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện hành, Luật số 69/2014/QH13 và đảm bảo thực hiện đúng chủ trương tại Nghị quyết 25/2016/QH14.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) không thuộc đối tượng này, bởi vì đây là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, không thuộc diện doanh nghiệp được đầu tư bổ sung vốn như vậy. Mặt khác, Agribank là doanh nghiệp đã có kế hoạch cổ phần hóa trong năm 2020, do đó, có thể tăng vốn thông qua việc cổ phần hoá, tức là có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Tin cùng chuyên mục