​Tín hiệu tích cực từ hoạt động của ngành ngân hàng: Chưa thể chủ quan

(BĐT) - Hơn 40% nợ xấu đã được xử lý, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, tổng tài sản các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng là những điểm sáng trong bức tranh ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, nhìn sâu vào thực trạng của ngành ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề hóc búa cần giải quyết.
Tính tới cuối tháng 1/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 11.127.336 tỷ đồng, tăng 0,57% so với cuối năm 2018. Ảnh: Lê Tiên
Tính tới cuối tháng 1/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 11.127.336 tỷ đồng, tăng 0,57% so với cuối năm 2018. Ảnh: Lê Tiên

Những tín hiệu khả quan

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.

Đến 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm, 9 - 11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, tính tới cuối tháng 1/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11.127.336 tỷ đồng, tăng 0,57% so với cuối năm 2018.

Đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng trong quý I năm nay, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả cơ cấu lại các TCTD đã tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Cụ thể, năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng tín dụng được cải thiện; quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, sự minh bạch trong hoạt động của hệ thống các TCTD đã được nâng cao một bước... 

Vẫn cần cẩn trọng

Những con số và đánh giá nêu trên cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước tiến nhất định trong quá trình tái cơ cấu toàn hệ thống song chưa thể hoàn toàn lạc quan về thực trạng hiện nay của lĩnh vực này.

Trong báo cáo nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ “BB-” lên “BB” vừa công bố, hãng định mức tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nhận định: “Các ngân hàng của Việt Nam vẫn còn tương đối yếu”. Điều này được thể hiện rõ qua năng lực vốn hóa thị trường vẫn ở mức thấp và chất lượng tài sản kém. Đây cũng là một yếu tố có thể gây rủi ro cho triển vọng kinh tế.

Bên cạnh đó, S&P cho rằng, sự ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn là vấn đề đáng quan tâm do tài sản nợ xấu ở mức cao và tình trạng sở hữu chéo. Đây đã và đang là “khoảng xám” trong bức tranh ngân hàng Việt Nam những năm gần đây do ảnh hưởng lâu dài từ cuộc suy giảm giá nhà đất giai đoạn 2009 - 2012.

Đánh giá về rủi ro tín dụng ngành ngân hàng, S&P xếp hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức 9/10 bậc, theo đó, bậc 1 được đánh giá là ít rủi ro nhất. Vì những lý do đó, S&P cho rằng Việt Nam phải đối mặt với một số rủi ro từ lĩnh vực ngân hàng.

Cũng theo hãng định mức tín nhiệm này, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm đáng kể trong năm 2018 là yếu tố tích cực, góp phần củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng nên cần tiếp tục duy trì.

Đồng quan điểm với S&P, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận xét: “Không ngạc nhiên với đánh giá này. Bởi lẽ, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn tái cấu trúc, nhiều phần việc thực tế vẫn còn dang dở, thậm chí một số căn bệnh của hệ thống vẫn chưa tìm được cách thức chữa trị tận gốc. Nhiều đại án ngân hàng vẫn đang được xử lý, một số ngân hàng yếu kém chưa rõ định hướng giải quyết triệt để. Vậy nên, chúng ta phải chấp nhận là chưa được đánh giá tốt và hy vọng những điều tốt đẹp trong thời gian tới”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng bình luận: “Nhiều con số và thông tin được công bố ngỡ như hệ thống ngân hàng đã cải thiện rất nhiều. Song thực tế, dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn còn một số vấn đề lớn của quá khứ chưa giải quyết được, cụ thể là khối nợ xấu và những sai phạm nghiệm trọng”.

Điểm đáng quan ngại, theo ông Hiếu, một số trở ngại của nỗ lực tái cơ cấu ngân hàng vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn. “Quy trình và thủ tục xử lý nợ xấu vẫn còn quẩn quanh. Tình trạng sở hữu chéo dù đã được kiểm soát chặt hơn nhưng trong nhiều trường hợp vẫn ở tình trạng “anh hùng núp” mà chưa biết bao giờ bị bại lộ. Vì vậy, vẫn cần đặt cảnh báo rủi ro với hệ thống ngân hàng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục