Vinaship thua lỗ, nhiều nhà băng mắc kẹt

(BĐT) - Trong lĩnh vực vận tải biển, xét về quy mô hoạt động, Công ty CP Vận tải biển Vinaship được đánh giá là một trong các doanh nghiệp (DN) vận tải biển lớn, mạng lưới khách hàng ổn định. 
Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017, Vinaship còn rất nhiều khoản nợ giá trị lớn. Ảnh: Quang Tuấn
Theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017, Vinaship còn rất nhiều khoản nợ giá trị lớn. Ảnh: Quang Tuấn

Tuy nhiên, do sụt giảm nghiêm trọng về thị phần cũng như suy thoái kéo dài trong lĩnh vực vận tải biển, Vinaship đang phải đối mặt với những thua lỗ liên miên. Mới đây, khoản nợ khoảng 150 tỷ đồng của DN này tại ngân hàng đang được rao bán đấu giá.

Lỗ quý thứ 7 liên tiếp

Cách đây ít ngày, Vinaship công bố Báo cáo tài chính quý III/2017 với kết quả kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 141 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016, giá vốn hàng bán ở mức cao hơn nên Công ty lỗ gộp hơn 1 tỷ đồng. Trong kỳ, các khoản chi phí phát sinh vẫn ở mức rất cao, như chi phí tài chính là 9,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng 2,64 tỷ đồng và chi phí quản lý DN gần 5,7 tỷ đồng, nên kết quả lợi nhuận sau thuế ghi nhận là âm hơn 18 tỷ đồng, tương đương mức lỗ cùng kỳ năm 2016.

Trước đó, quý II 2017, Vinaship cũng ghi nhận khoản lỗ hơn 39,2 tỷ đồng; quý I là hơn 29,1 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ 98,6 tỷ đồng trong năm 2016, Vinaship đã ghi nhận lỗ 7 quý liên tiếp.

Tính đến ngày 30/9/2017, Vinaship đang có gần 892 tỷ đồng nợ phải trả, lỗ lũy kế ở mức 292 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 284,6 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 430,3 tỷ đồng.

Trong quý III/2017, phương thức khai thác chính của đội tàu Vinaship là tàu chuyến với tuyến khai thác chính trong khu vực Đông Nam Á, trong đó phần lớn là hàng xuất nhập khẩu và chở thuê, không có tàu nào vận chuyển nội địa. Tháng 8 và 9, do được tham gia vào chiến dịch vận chuyển gạo, doanh thu quý III của Công ty đã tăng rõ rệt so với quý I và quý II trong năm và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, Vinaship cho biết, tốc độ giải phóng tàu vẫn chưa được cải thiện, thời tiết bất lợi, mưa nhiều… dẫn đến thời gian tàu chờ kéo dài làm phát sinh thêm chi phí.

Vinaship giải trình cho rằng, những nguyên nhân trên đã khiến cho Công ty không thể tiết giảm được chi phí và doanh thu tăng trưởng 2 tháng (tháng 8 và 9) không đủ bù đắp cho tình hình sản xuất kinh doanh của 9 tháng đầu năm 2017. 

Ngân hàng tìm cách bán nợ

Trong lúc tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, một tổ chức tín dụng đã có động thái rao bán khoản nợ (bao gồm nợ gốc, nợ lãi) của Vinaship tại ngân hàng.

Là một trong những khoản vay để mua tàu biển Vinaship Sea, Vinaship đã ký Hợp đồng tín dụng số 01.09/HĐTD-DH ngày 01/12/2009 với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Lê Chân (VietinBank Lê Chân) với thời hạn vay 180 tháng kể từ ngày 4/1/2010 đến ngày 4/1/2025.

Tính đến ngày 30/6/2017, số dư nợ gốc vay của Hợp đồng tín dụng nêu trên theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của Vinaship là 6.191.100 USD, tương đương với 140,97 tỷ đồng.

Trong thông báo mới đây, VietinBank Lê Chân đang muốn bán khoản nợ (bao gồm nợ gốc, nợ lãi) có tài sản đảm bảo là tàu biển Vinaship Sea. Tổng dư nợ của Vinaship tính đến ngày 30/10/2017 là 6.327.543,96 USD (trong đó bao gồm: nợ gốc là 6.191.100 USD; lãi trong hạn là 134.891 USD; lãi phạt quá hạn là 1.553 USD).

Ngoài khoản nợ trên, theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017, Vinaship còn có rất nhiều khoản nợ giá trị lớn với một số tổ chức tín dụng khác. Đơn cử, để có tiền mua tàu chở hàng khô Vinaship Diamond và Vinaship Pearl vào năm 2009, Vinaship đã ký 2 khoản vay với Ngân hàng TMCP Hàng hải - Chi nhánh Hải Phòng, tổng dư nợ gốc (tính đến ngày 30/6/2017) gần 160 tỷ đồng. Ngoài ra, để đầu tư mua tàu chở hàng tổng hợp Vinaship Star vào năm 2011, Vinaship cũng đã có khoản vay Ngân hàng TMCP Bảo Việt - Chi nhánh Hải Phòng và Ngân hàng Indovina - Chi nhánh Đống Đa với tổng dư nợ gốc vay (tính đến ngày 30/6/2017) là hơn 210 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục