Có dễ thu hồi vốn dự án bauxite tại Campuchia?

(BĐT) - Ngày 19/8 tới, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ thực hiện bán đấu giá toàn bộ phần vốn góp tại Dự án Thăm dò tiến tới khai thác và chế biến quặng bauxite tại Campuchia sau nhiều năm "chết yểu". 
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đưa ra mức giá khởi điểm 189,2 tỷ đồng cho phần vốn góp tại Công ty Liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam. Ảnh: Xuân Tiến
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đưa ra mức giá khởi điểm 189,2 tỷ đồng cho phần vốn góp tại Công ty Liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam. Ảnh: Xuân Tiến

Với mức giá khởi điểm cao hơn so với số vốn gốc đã đầu tư, việc thu hồi vốn tại dự án này là bài toán khó đối với TKV.

Nhằm khảo sát, thăm dò, tiến tới khai thác và chế biến quặng bauxite tại tỉnh Mondulkiri, Campuchia, Công ty Liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam (ACV) được thành lập trên cơ sở hợp đồng liên doanh ký vào cuối tháng 12/2009, vốn đầu tư dự kiến 20 triệu USD.

Các thành viên góp vốn gồm: TKV (70%), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (5%), Kasimex Com, Ltd. (5%) và Nadaco Group, Ltd. (20%). Trong đó, Nadaco Group, Ltd. góp vốn bằng giá trị quyền khảo sát, thăm dò 2 khu vực khoáng sản bauxite tại Campuchia. Các thành viên còn lại góp vốn bằng tiền.

Đến cuối năm 2012, khu vực mỏ bauxite Mondulkiri đã được ACV tiến hành thăm dò chi tiết ở 2 khu vực có diện tích tập trung quặng bauxite gồm khu Tây có diện tích quặng tập trung là 119,5 km2, khu Đông có diện tích quặng tập trung là 195,5 km2. Kết quả thăm dò đã khoanh định được 68 thân quặng bauxite, với trữ lượng quặng nguyên khai là 227,4 triệu tấn, trữ lượng tinh quặng cấp hạt +1 mm trạng thái khô gió là 92,7 triệu tấn.

Kết quả thăm dò và đánh giá hiệu quả đầu tư cho thấy, dự án này có trữ lượng nhỏ và chất lượng quặng trung bình, nếu lập dự án khai thác và chế biến quặng quy mô công nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

Kết quả thăm dò và đánh giá hiệu quả đầu tư cho thấy, khu vực mỏ bauxite Mondulkiri tại Campuchia có trữ lượng nhỏ và chất lượng quặng trung bình, nếu lập dự án khai thác và chế biến quặng quy mô công nghiệp thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao.
Do vậy, ngày 26/11/2015, ACV ra Nghị quyết số 01/NQ-ACV-ĐHĐCĐ về việc tạm dừng góp vốn vào ACV. Kể từ ngày 1/1/2016, ACV chỉ còn duy nhất 1 nhân sự là Giám đốc Công ty kiêm nhiệm công việc tại Văn phòng đại diện của TKV tại Campuchia. Số tiền thực góp của TKV vào ACV là 187,3 tỷ đồng, chiếm 87,96% vốn thực góp của các bên.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, ACV đã 5 lần được Bộ Công nghiệp mỏ và Năng lượng Campuchia cấp giấy phép khảo sát thăm dò. Trong đó, giấy phép được cấp lần thứ 5 sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2019. TKV cho biết đã thực hiện thủ tục để xin cấp giấy phép thăm dò lần thứ 6. Trong trường hợp ACV không được gia hạn giấy phép thăm dò, bên cạnh việc bị thu hồi giấy phép hiện có, liên doạnh này còn phải giải thể và bồi thường một khoản chi phí tương đương hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, TKV sẽ phải trả khoản phí bồi thường lên đến 43 tỷ đồng.

Trong phiên bán đấu giá vào ngày 19/8 tới, TKV sẽ thực hiện bán toàn bộ phần vốn góp 187,3 tỷ đồng tại ACV.

Theo Báo cáo tư vấn giá khởi điểm tháng 3/2019 do Công ty TNHH PKF Việt Nam thực hiện, giá trị phần vốn đã đầu tư của TKV tại ACV tính toán theo phương pháp tài sản ngày 30/9/2018 là gần 126 tỷ đồng. Con số này thấp hơn 61,3 tỷ đồng so với giá gốc khoản đầu tư đang được ghi nhận trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, để bảo đảm tránh nguy cơ mất vốn nhà nước, giá gốc khoản đầu tư vẫn được định giá là 187,3 tỷ đồng. Cộng thêm giá trị văn hoá, lịch sử theo Thông tư 59/2018 của Bộ Tài chính (tương đương 1% giá gốc vốn góp) là 1,9 tỷ đồng, thì mức giá khởi điểm được đưa ra là 189,2 tỷ đồng.

Trong bối cảnh Dự án kém khả quan, cùng với nguy cơ phải nộp khoản bồi thường hơn 40 tỷ đồng, mức giá khởi điểm TKV đưa ra được xem là khó hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu không bán được phần vốn góp với mức giá trên thì cũng đồng nghĩa, TKV khó có thể thu hồi số tiền đã đầu tư vào dự án bauxite tại Campuchia.

Tin cùng chuyên mục