Nhiều điều kiện khi tham gia đấu giá cổ phần Vinamotor

(BĐT) - Như báo Đấu thầu đã thông tin, 97,7% cổ phần (CP) của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) do Nhà nước sở hữu sẽ được chào bán vào ngày 11/1/2016.
Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, chủ sở hữu showroom Honda Tây Hồ là một trong các nhà đầu tư quan tâm đến lô cổ phần của Vinamotor. Ảnh: LTT st
Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam, chủ sở hữu showroom Honda Tây Hồ là một trong các nhà đầu tư quan tâm đến lô cổ phần của Vinamotor. Ảnh: LTT st

Vinamotor có vốn điều lệ 876 tỷ đồng (87.602.823 CP) với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 97,7%, tương đương 85.581.223 CP, giá khởi điểm 14.612 đồng/CP, tương đương giá trị 1.250 tỷ đồng.

Trong tháng 3/2014, Nhà nước đã nỗ lực tổ chức bán đấu giá 51% CP tại Vinamotor (tương đương 51 triệu CP), tuy nhiên, phiên đấu giá này không được thành công như mong đợi và chỉ bán thành công 3,1%. Phiên đấu giá lần này dự kiến sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Nhìn vào các điều kiện đặt ra cho nhà đầu tư tham gia đấu giá có thể thấy, người mua bị hạn chế và hướng đến đối tác chiến lược.

Theo quy định của cuộc đấu giá, có ít nhất 6 điều kiện dành cho nhà đầu tư: (1) Nhà đầu tư phải là tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; (2) Người mua phải hoạt động trong cùng ngành hoặc ngành liên quan/hỗ trợ với ngành nghề hoạt động chính của Vinamotor; (3) Người mua phải đăng ký mua 100% số lượng CP mà Nhà nước chào bán; (4) Người mua phải đặt cọc 10% giá trị giá tham chiếu hay 125 tỷ đồng trước khi đăng ký tham gia phiên đấu giá; (5) Vốn điều lệ của tổ chức muốn mua 97,7% CP tại Vinamotor lần này phải ít nhất là 926 tỷ đồng mà không có bất kỳ lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán tính đến ngày 30/6/2015; (6) Người mua phải cam kết nắm giữ số cổ phiếu này trong 5 năm.

Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán HSC, trước đây, khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bày tỏ ý định bán cả lô CP, đã có ít nhất 4 tổ chức trong nước bày tỏ mong muốn mua số CP này bao gồm: Công ty CP Ô tô TMT, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Thành Công Ninh Bình. Tuy nhiên, với yêu cầu khắt khe về vốn điều lệ tối thiểu phải là 926 tỷ đồng, TMT, một doanh nghiệp sản xuất ô tô đã không đáp ứng được yêu cầu này do vốn điều lệ của TMT tính đến ngày 30/6/2015 chỉ là 308 tỷ đồng. Gần đây, CTCP Đầu tư và Phát triển Samco cũng thông báo sẽ rút khỏi phiên đấu giá này mặc dù đã bày tỏ quan tâm trước đó.

Nguyên nhân nhiều khả năng liên quan đến phạm vi kinh doanh hiện tại của SAM (là sản xuất cáp và BĐS) không thỏa mãn một trong những yêu cầu đối với người mua để đủ điều kiện tham gia đấu giá. Vinamco và Thành Công có vẻ là hai người mua nghiêm túc được biết đến vào thời điểm này. Đối với Vinamco, công ty có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng và kinh doanh ở nhiều lĩnh vực liên quan đến phân phối và dịch vụ ô tô. Trong đó, thu nhập chính của Công ty đến từ showroom Honda tại Tây Hồ, Hà Nội với diện tích 6.000 m2.

Công ty CP Thành Công Ninh Bình, công ty con của Tập đoàn Thành Công đã xin phê duyệt của Bộ GTVT về kế hoạch mua vào toàn bộ CP do Nhà nước kiểm soát tại Vinamotor. Công ty này là nhà phân phối ủy quyền của Hyundai Motor.

HNX vừa tổ chức đấu giá CP Khách sạn Kim Liên (Hà Nội) với giá trúng thầu cao nhất gấp 9 lần giá khởi điểm, đạt 274.200 đồng/CP. Cuộc đấu giá lô lớn CP Vinamotor tới đây được dự đoán sẽ hấp dẫn không kém khi đơn vị này và các công ty con, công ty liên kết đang sở hữu nhiều diện tích đất vàng tại Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục