Sóng IPO tiếp tục dâng cao

Diễn biến bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong nửa đầu năm 2016 cho thấy, đã có sự kết nối hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp chào bán cổ phần và nhà đầu tư. Điều này hứa hẹn nhịp sóng IPO có thể tiếp tục dâng cao trong thời gian tới.
Diễn biến trong 7 tháng đầu năm 2016 sẽ là chất xúc tác tiếp tục hâm nóng sàn IPO trong thời gian tới.
Diễn biến trong 7 tháng đầu năm 2016 sẽ là chất xúc tác tiếp tục hâm nóng sàn IPO trong thời gian tới.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 6/2016, HNX đã tổ chức 7 phiên đấu giá, trong đó có 6 phiên IPO và 1 phiên đấu giá cổ phần để thoái vốn nhà nước. Kết quả, 4/7 phiên đã bán hết 100% số cổ phần đưa ra đấu giá. Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá trong 7 phiên này đạt hơn 70,7 triệu cổ phần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 6, HNX đã nhận được 567 lượt đăng ký tham dự từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Đây là tháng có số lượng nhà đầu tư đăng ký đấu giá nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Phiên đấu giá thu hút sự quan tâm đông đảo nhất từ công chúng đầu tư là phiên của Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (337 lượt đăng ký). Tổng cộng có 60,2 triệu cổ phần trúng giá trong tháng 6 (tương đương 85% tổng khối lượng chào bán), thu về cho Nhà nước hơn 680,5 tỷ đồng, cao hơn 20,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trong 6 phiên IPO diễn ra vào tháng 6, có 3 phiên đấu giá của Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế và Tổng công ty Dược Việt Nam đã bán hết 100% số cổ phần chào bán, huy động được hơn 575,5 tỷ đồng, cao hơn 20,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, trong phiên đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Thương mại Nghệ An, mặc dù mức giá khởi điểm lên tới 106.000 đồng/cổ phần (cao nhất trong tháng 6), nhưng khối lượng cổ phần đặt mua cao gấp 2,6 lần so với khối lượng chào bán và toàn bộ số cổ phần chào bán đã được bán hết thu về cho Nhà nước hơn 63,3 tỷ đồng.

Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2016, HNX đã thực hiện đấu giá cổ phần cho 36 doanh nghiệp, với số lượng cổ phần trúng giá 290 triệu cổ phần (chiếm 83,6% số cổ phần bán đấu giá), tương ứng giá trị bán được là 3.703 tỷ đồng. Trong đó, một số đại gia đã ra mắt công chúng, làm tăng thêm bầu không khí sôi động cho sàn đấu giá. Đó là Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty 36, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam... Đáng lưu ý, 2 phiên đấu giá bán cổ phần theo lô đã được thực hiện suôn sẻ là phiên của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam và Tổng công ty Vận tải thủy.

Trong các phiên IPO của đại gia trong nửa đầu năm 2016, phiên IPO của Tổng công ty Dược là một trong những phiên được giới đầu tư chờ đợi từ khá lâu. Chính vì lẽ đó, đây là phiên đấu giá có số lượng nhà đầu tư tham dự đông nhất trong quý II/2016. Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết cho 175 nhà đầu tư. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 443,9 tỷ đồng, cao hơn 18,4 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Việc cổ phần của Tổng công ty Dược được quan tâm không chỉ bởi đây là doanh nghiệp giàu truyền thống của ngành dược Việt Nam, mà còn bởi tổng công ty này đang sở hữu khá nhiều bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty, một số tài sản cố định vẫn được định giá khá cao.

Cũng trong nửa đầu năm 2016, một đại gia khác của ngành y tế là Tổng công ty Thiết bị Y tế cũng đã khuấy động sàn IPO sau quãng thời gian dài chờ đợi. Phiên đấu giá đã thu hút 21 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 4 triệu cổ phần. 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết với giá đấu thành công là 10.201 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 35,9 tỷ đồng, cao hơn 709,4 triệu đồng so với mức giá khởi điểm.

Không khí IPO vẫn tiếp tục kéo dài sáng tháng 7, khi có tới 3 tổng công ty tổ chức đấu giá tại HNX. Đó là các phiên IPO của các tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Vật tư Nông nghiệp và phiên đấu giá phát hành thêm cổ phần của Tổng công ty Viglacera. Trong tháng đầu quý II còn có các phiên thoái vốn của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, Công ty cổ phần Nhà và Thương mại dầu khí và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị đường sắt.

Rõ ràng, với động thái hàng loạt đại gia đã và sắp “bung hàng”, các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội để sở hữu những doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong từng lĩnh vực và đây sẽ là chất xúc tác tiếp tục hâm nóng sàn IPO giai đoạn tới.

Ngoài sự bùng nổ về số lượng, cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị khá đầy đủ hạ tầng về chính sách hỗ trợ các công ty đại chúng hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Ông Trịnh Đức Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán (Bộ Tài chính) cho biết, chế độ kế toán mới được ban hành gần đây đã có những quy định phù hợp với thực tiễn, hiện đại và mang tính khả thi, tôn trọng bản chất hơn hình thức, linh hoạt và mở, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tin cùng chuyên mục