Thoái vốn Nhà nước qua sàn: Cân nhắc cách làm mới

Nhà nước đang có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại hàng trăm doanh nghiệp, trong số đó có rất nhiều trường hợp là cổ phiếu lô lớn, chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối. 
Khi thực hiện thoái vốn Nhà nước, cách làm đem lại hiệu quả tốt và minh bạch nhất là đấu giá công khai
Khi thực hiện thoái vốn Nhà nước, cách làm đem lại hiệu quả tốt và minh bạch nhất là đấu giá công khai

Tuy nhiên, với cách bán cổ phần hiện nay, liệu Nhà nước có thu được hiệu quả cao nhất?

Phiên giao dịch ngày 25/12/2015 trên sàn UPCoM tạo ra một kỷ lục đáng chú ý tại mã cổ phiếu GEX của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam – CTCP (GELEX). Lần đầu tiên trong lịch sử, một cổ phiếu giao dịch đến hơn 122 triệu cổ phiếu (tương đương gần 2.200 tỷ đồng) bằng phương thức khớp lệnh. Trong phiên, bên mua đã đặt 2.755 lệnh, khối lượng đặt mua là 125.019.000 cổ phiếu, còn bên bán “chặt” thành 307 lệnh, khối lượng là 122.638.100 cổ phiếu. Như vậy, khối lượng trung bình mỗi lệnh bán là 399.619 đơn vị.

Tại phiên giao dịch đó, cổ phiếu GEX chủ yếu được khớp lệnh ở mức giá 17.700-17.800 đồng/CP. Kết thúc phiên, cổ phiếu này đã tăng vọt lên 19.500 đồng/CP và đến thời điểm này đạt thị giá xấp xỉ 25.000 đồng/CP.

Đáng lưu ý, cổ phiếu GEX chỉ mới giao dịch trên UPCoM trước đó 2 tháng, vào ngày 26/10/2015. Tại phiên giao dịch trên, Bộ Công thương đã thoái toàn bộ 78,74% vốn tại GEX.

Với một lô cổ phần lớn như vậy, đủ để nắm quyền chi phối doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, tại sao chủ sở hữu vốn Nhà nước không bán đấu giá lô lớn? Công bố thông tin rộng rãi để các nhà đầu tư quan tâm có đủ thời gian đăng ký tham gia và người trả giá cao nhất sẽ mua được lô cổ phần, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Nhìn vào cách công bố thông tin của Bộ Công Thương để thấy, liệu các nhà đầu tư quan tâm có mua được số cổ phần này không? Ngày 24/12/2015, thị trường nhận được bản công bố thông tin của Bộ Công Thương qua website của Sở GDCK Hà Nội (HNX). Theo đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi UBCKNN, HNX và GELEX về việc đăng ký thoái vốn khỏi công ty này.

Cụ thể, Bộ Công Thương dự kiến sẽ bán thỏa thuận hoặc khớp lệnh toàn bộ 122.044.800 cổ phần GEX, tương đương 78,74% vốn điều lệ công ty trên sàn UPCoM, trong khoảng thời gian từ ngày 25/12/2015 đến ngày 22/1/2016.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên trong thời điểm Bộ Công Thương dự kiến bán, toàn bộ lô cổ phần hơn 122 triệu cổ phiếu đã được bán ra theo cách mô tả ở trên. Rất nhiều người chứng kiến thương vụ này đã đặt ra nghi vấn rằng, liệu những nhà đầu tư khớp lệnh mã GEX trong phiên giao dịch ngày 25/12/2015 đã biết trước thông tin vào phiên giao dịch đó, Bộ Công Thương sẽ đặt bán toàn bộ hơn 122 triệu cổ phần?

Nếu không như vậy, liệu có những nhà đầu tư nào sẵn sàng chồng hơn 2.200 tỷ đồng trong các tài khoản để canh lệnh bán từ Bộ Công thương? (Theo quy định hiện hành, muốn khớp được lệnh trên sàn, nhà đầu tư phải có sẵn tiền và chứng khoán trong tài khoản – PV).

Thông tin công bố về việc bán lượng “khủng” cổ phiếu GEX của Bộ Công Thương mới được đưa ra thị trường ngày 24/12/2015, thì ngay hôm sau, lô cổ phiếu đã được giao dịch. Với thời gian gấp gáp như vậy, sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư kịp tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, phân tích cơ hội để ra quyết định có tham gia đầu tư vào doanh nghiệp hay không?

Hơn nữa, thông báo trên chỉ đơn thuần là thông báo bán cổ phần của cổ đông lớn trong doanh nghiệp theo các quy định về chứng khoán, chứ không phải là công bố về đợt thoái vốn, không có các thông tin, không có đầu mối để nhà đầu tư quan tâm có thể tìm hiểu sâu hơn và liên hệ nếu có nhu cầu tham gia mua cổ phần.

Nếu được bán đấu giá công khai cả lô hơn 122 triệu cổ phiếu GEX như vậy, liệu số tiền Nhà nước thu được có cao hơn rất nhiều con số 2.200 tỷ đồng?

Nhìn vào các thương vụ đấu giá cổ phần lô lớn tại Khách sạn Kim Liên, Vissan, có thể thấy, phương thức bán đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền gấp nhiều lần giá khởi điểm và rất nhiều nhà đầu tư có thể tham gia.

Nghị định 71/2013 quy định những cách thoái vốn Nhà nước, nhưng chưa thực sự đem lại hiệu quả tối ưu khi quy định, đối với việc chuyển nhượng vốn Nhà nước tại CTCP, các CTCP đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại Sở GDCK, thì thực hiện giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận thông qua hệ thống giao dịch của Sở GDCK. Còn các công ty không thuộc diện trên, thì lại thực hiện theo hình thức đấu giá công khai. Trong khi cách làm đem lại hiệu quả tốt và minh bạch nhất, theo nhận xét của các chuyên gia, là đấu giá công khai.

Trước phiên thoái vốn “lịch sử” tại GELEX, cách thoái vốn của Vinaconex tại CTCP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) cũng đã tạo ra không ít băn khoăn.

Cụ thể, vào ngày 24/7/2015, Vinaconex đã bán ra 51,43% vốn điều lệ của Vinaconex 3 trên sàn cho các nhà đầu tư. Lúc đó, thị giá cổ phiếu VC3 chỉ ở mức 40.500 đồng/CP. Chưa đầy 2 tháng sau, cổ phiếu VC3 đã đạt mức giá 57.600 đồng/CP, tăng 42,2% so với mức giá phiên Vinaconex thoái vốn.

Tin cùng chuyên mục