Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề xuất giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với DN diễn ra (ngày 26/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19

Theo Báo cáo tình hình triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN trong thời gian qua được Bộ KH&ĐT cho thấy, hiện nhiều giải pháp, nhiệm vụ hỗ trợ DN vượt khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cộng đồng DN thì vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai của một số chính sách còn cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt. Tỷ lệ DN tiếp cận được với chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp...

Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh mới, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và DN.

Văn phòng Chính phủ có hướng dẫn chấp thuận các các văn bản scan, gửi trực tuyến (online) để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu một số kiến nghị của cộng đồng DN trong thời gian gần đây để sớm ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Một số kiến nghị của cộng đồng DN liên quan đến nội dung này thời gian qua là xem xét cho phép người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh, 5 ngày đối với người đã tiêm 1 mũi, 3 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.

Tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia, tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo của mình.

Hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xem xét, đánh giá và quy định lại về quy trình “3 tại chỗ” do chi phí tốn kém, bên cạnh đó quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến DN lúng túng trong quá trình thực hiện

Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch. Tăng cường trang thiết bị và năng lực cho cán bộ y tế cơ sở.

Cùng với đó, hướng dẫn và trao quyền chủ động cho địa phương, DN trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như công tác phòng chống dịch cho các tổ chức, DN; không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt.

Về phía các địa phương, Bộ KH&ĐT đề nghị khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa. Đồng thời, địa phương cùng với DN chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN…

Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.