Thách thức vốn cho Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo lần 3 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được đưa ra lấy ý kiến cho thấy, Việt Nam cần khoảng 12 - 13 tỷ USD/năm để đầu tư phát triển điện lực. Nhìn từ việc huy động vốn cho các quy hoạch điện trước đó, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp ngành điện cho rằng, đây là thách thức lớn.
Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển ngành điện giai đoạn 2031 - 2045 khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó, vốn cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển ngành điện giai đoạn 2031 - 2045 khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó, vốn cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Tại Phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng khẳng định: “Việc xây dựng, hoàn thiện và sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để huy động nguồn lực, phát triển bền vững ngành điện, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng”.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển ngành điện giai đoạn 2031 - 2045 khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó, vốn cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Còn giai đoạn 2021 - 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).

Tới đây khi sửa đổi Luật Điện lực, nguồn vốn này dự kiến sẽ được huy động linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đồng thời sẽ có cơ chế xây dựng kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải....

Với nhu cầu đầu tư phát triển lớn như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp ngành điện cho rằng, đây là thách thức không nhỏ khi thực tế việc huy động vốn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chia sẻ về việc thu xếp vốn thực hiện dự án điện, tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc vay vốn ODA gặp rất nhiều khó khăn. Đối với dự án dùng vốn ODA của EVN, đến nay, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư không biết thuộc về Bộ Công Thương hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối với việc tự vay của doanh nghiệp, đại diện EVN cho rằng, thủ tục phức tạp, cơ chế không rõ ràng khiến doanh nghiệp phải mất thời gian dài. “Nếu không có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này thì chắc chắn vốn cho điện sẽ tắc”, đại diện EVN lên tiếng.

Đề cập về việc huy động vốn đầu tư tư nhân, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang cho biết, theo quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không quá 15% và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không quá 25% vốn tự có của ngân hàng. Với quy định như vậy, việc vay vốn từ ngân hàng trong nước để thực hiện dự án nhà máy điện là rất khó khăn và không khả thi. Hơn nữa, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện dự án điện độc lập (IPP) rất cao, dẫn đến giá điện bán cho EVN cũng cao vượt giá trần quy định khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Nhận xét về phương án huy động vốn phát triển điện lực trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, giải pháp huy động vốn đầu tư đưa ra còn quá sơ sài, gần như không cụ thể hóa được định hướng rất rõ của Nghị quyết số 55/BCT của Bộ Chính trị. Theo ông Hòe, Dự thảo Quy hoạch không có giải pháp cụ thể cho huy động nguồn vốn, điều tiết nguồn lực cho phát triển nguồn điện; không có giải pháp cụ thể trong huy động nguồn vốn phát triển điện từ vốn đầu tư ngoài Nhà nước…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có cơ chế về giá điện đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế vào dự án điện.

Tin cùng chuyên mục