Thanh khoản kỷ lục 19 ngàn tỷ, VN-Index vẫn chưa qua được 1.200

0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống giao dịch bất ngờ khá ổn định dù hôm nay thanh khoản rất lớn. Riêng giá trị khớp hai sàn đã lập kỷ lục mới với trên 19 ngàn tỷ đồng, sàn HSX cũng lập kỷ lục với hơn 16,3 ngàn tỷ...
Thanh khoản kỷ lục 19 ngàn tỷ, VN-Index vẫn chưa qua được 1.200

Hệ thống giao dịch bất ngờ khá ổn định dù hôm nay thanh khoản rất lớn. Riêng giá trị khớp hai sàn đã lập kỷ lục mới với trên 19 ngàn tỷ đồng, sàn HSX cũng lập kỷ lục với hơn 16,3 ngàn tỷ.

Đợt ATC giao dịch có chậm lại nhưng cuối đợt khớp lệnh liên tục, lệnh vào vẫn khá thông suốt. Thanh khoản tăng mạnh trên sàn HNX đã giúp thị trường đạt đỉnh cao thanh khoản mới. Trung bình tuần này mỗi ngày HNX khớp 2.423 tỷ đồng, là mức chưa từng thấy trong lịch sử. Có thể hệ thống của HSX nghẽn nên nhà đầu tư đổ dồn sang sàn HNX.

VN-Index kết phiên vẫn chưa đạt được mức tăng tương xứng với thanh khoản khổng lồ này. Chỉ số chốt ngày tăng 6,8 điểm tương đương 0,57%, lên mức 1.194,2 điểm. Tính về mức đóng cửa thì đây là đỉnh cao mới của chỉ số, chỉ sau đỉnh lịch sử hồi 2018. Tuy nhiên nếu tính về biên độ thì VN-Index vẫn chưa thoát ra khỏi mức dao động ngày 13/1 vừa qua với đỉnh cao nhất 1.200,82 điểm. Như vậy đỉnh lịch sử vẫn chưa được "đả thông".

Đà tăng có phần yếu vì nhóm trụ lớn nhất vẫn chưa tăng đủ mạnh. GAS giảm 0,54%, SAB giảm 2,2%, VCB giảm 0,67% trong khi VIC tăng 0,72%, VNM tăng 0,71%, HPG tăng 0,11%, BID tham chiếu. Thực ra 3 cổ phiếu lớn giảm giá chỉ khiến VN-Index mất gần 2 điểm. Trong khi đó riêng VHM tăng 2,01% cũng đã đem lại gần 2 điểm.

VHM hôm nay có phiên đảo chiều kỹ thuật trên nền thanh khoản thấp. Cổ phiếu này vừa trải qua hai phiên giảm gần 3,7%. Cùng diễn biến giảm tương tự nhưng VIC, VNM phục hồi rất nhẹ. VCB, GAS thậm chí còn đi ngược dòng cả nhóm khi ngân hàng và dầu khí tăng rất mạnh hôm nay.

Cổ phiếu ngân hàng tăng với mức thanh khoản còn cao hơn hôm qua. STB xác lập ngưỡng kỷ lục mới với 51,69 triệu cổ trị giá 1.096,7 tỷ đồng. SHB bên sàn HNX cũng giao dịch cực lớn với gần 59,2 triệu cổ trị giá 1.134,5 tỷ đồng. TCB tăng 3,08% với 640,3 tỷ đồng khớp lệnh, MBB tăng 1,33% với 535 tỷ đồng... Tính chung 11 cổ phiếu ngân hàng thanh khoản nhất hai sàn thì mức khớp lệnh đã lên tới gần 5.100 tỷ đồng phiên này.

Cổ phiếu dầu khí cũng bất ngờ tăng rất nóng ở các mã nhỏ. GAS, PLX giảm, nhưng PVD, PVT tăng kịch trần, PVS tăng 3,85%, PVC tăng 2,17%...

Nhóm chứng khoán cũng tiếp tục lên cao hơn: SSI tăng 4,53%, HCM tăng 1,49%, VCI tăng 2,98%, VND tăng 3,42%, SHS tăng 5,44%, AGR kịch trần, BSI tăng 3,88%, CTS tăng 5,81%, MBS tăng 5,8%...

Độ rộng sàn HSX hôm nay cũng rất khá với 227 mã tăng/127 mã giảm, trong đó 115 mã tăng trên 2%, gần 50 mã khác tăng trên 1%. Như vậy bất kể VN-Index có vượt được 1.200 điểm hay không thì thị trường vẫn đang giao dịch rất sôi động và nhiều cổ phiếu tăng giá tốt.

Ở vùng đỉnh lịch sử, đà tăng của các mã vốn hóa lớn đã chững lại đáng kể nhưng những cổ phiếu trung bình tới nhỏ vẫn đang có quán tính rất cao. Ngay trong rổ VN30, các mã siêu lớn cũng không tăng nhiều, nhưng các mã trung bình lại rất ấn tượng. VN30-Index đóng cửa vẫn tăng 1,13%. Trong khi đó Midcap tăng 1,08%, Smallcap tăng 1,22%. Có thể thấy tác động tương đối mạnh ở nhóm trụ dẫn dắt đang cản trở chỉ số đột phá đỉnh.

Mức giao dịch khớp lệnh vượt 19 ngàn tỷ đồng hai sàn hôm nay cho thấy tiềm năng thanh khoản sẽ tiếp tục gia tăng trên sàn HNX. Do hệ thống của HSX khó tải nổi mức giao dịch lớn hơn mà thông suốt, nên cơ hội gia tăng thanh khoản sẽ nằm ở sàn HNX. Thực vậy, từ giữa tháng 12/2020 trở về trước, rất hiếm tuần nào sàn HNX khớp lệnh được quá 1.000 tỷ đồng/ngày. Kể từ khi hệ thống của HSX hay bị nghẽn, giao dịch trên HNX tăng vọt và bắt đầu đạt trung bình trên 1.800 tỷ đồng/phiên tuần trước và tuần này đạt hơn 2.400 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên thanh khoản ở HNX tập trung quá mức vào một nhóm cổ phiếu, không lan tỏa như ở HSX. Chẳng hạn hôm nay Top 10 mã thanh khoản nhất chiếm tới 80% giá trị sàn. Trong đó riêng SHB chiếm 41%.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng thỏa thuận 19,7 triệu MSN, trị giá hơn 1.690 tỷ đồng. Giao dịch này đẩy tổng mức bán ròng lên 2.246 tỷ đồng. Rổ VN30 ghi nhận bán ròng 2.108 tỷ đồng. Như vậy kể cả khi loại bỏ giao dịch đặc biệt của MSN thì khối ngoại vẫn quay lại bán ròng rất nhiều. Ngoài MSN, có HPG, CTG, VND, FCN, POW, GAS, PVD, DXG, VCI, PLX, BID bị xả ròng quy mô lớn. Phía mua ròng có STB, SBT, HAG, SSI, HCM, HDB, VRE.

Tin cùng chuyên mục