Đã nhiều lần các ngân hàng tăng phí dịch vụ ATM, song không đi liền với điều chỉnh, nâng cấp dịch vụ. Ảnh: Quang Tuấn |
Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tháng qua, quyết định tăng loại phí dịch vụ này của 4 "ông lớn" ngân hàng chưa nhận được sự đồng tình từ NHNN.
Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” lần 2
Như Báo Đấu thầu đã thông tin ở số trước, cuối tuần qua, nhiều ngân hàng lớn, nắm giữ hơn 80% thị phần thẻ thanh toán nội địa hiện nay, đã thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Theo đó, từ ngày 15/7, phí rút tiền ATM nội mạng của Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đều tăng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng (đã bao gồm VAT).
Trong đó, từ ngày 10/7/2018, để gia tăng sự thuận tiện trong giao dịch của khách hàng, BIDV thực hiện tăng hạn mức rút tiền/lần tại ATM BIDV đối với thẻ ghi nợ nội địa. Hạn mức “Số tiền rút/lần” đối với thẻ ghi nợ nội địa BIDV thực hiện trên ATM BIDV từ mức 5.000.000 đồng/lần lên mức 7.000.000 đồng/lần.
Đây không phải lần đầu tiên mà trước đó, đầu tháng 5, nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng phí ATM nội mạng, qua nhiều cách thông báo khác nhau với mốc thời gian dự kiến thay đổi là 16/5.
Trước sự việc này, đại diện của NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tạm dừng tăng phí rút tiền nội mạng qua ATM từ 15/7 như kế hoạch của các ngân hàng và khẳng định, việc tăng phí dịch vụ ATM là quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại theo đúng quy định của luật, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích giữa các bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; tạo đồng thuận, chia sẻ của người sử dụng dịch vụ cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, các ngân hàng cần có thời gian để giải thích rõ cho chủ thẻ mức phí thế nào là phù hợp.
Năm 2012, NHNN đã ban hành Thông tư 35 cho phép các ngân hàng được thu phí ATM nội mạng kể từ ngày 1/3/2013 và nêu rõ lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Theo đó, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2013 và lên 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Hiện tại, trên thực tế, mức thu phí nội mạng phổ biến là 1.100 đồng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã có đề xuất gửi các ngân hàng thành viên chưa tăng các loại phí dịch vụ thẻ trong thời điểm hiện nay. "Việc thu phí của các ngân hàng thực hiện theo lộ trình và nằm trong khung phí quy định của NHNN nhưng việc tăng phí cũng cần phải hài hòa lợi ích của các bên. Do đó, Hiệp hội đã có đề xuất và đã được các ngân hàng đồng thuận chưa thực hiện tăng phí giao dịch thẻ ATM trong giai đoạn hiện nay", đại diện Hiệp hội cho hay.
Các “ông lớn” chưa chia sẻ với khách hàng
Quyết định trên của NHNN chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của rất nhiều khách hàng đang sử dụng thẻ ATM, nhất là gần 49 triệu chủ thẻ ATM từ các ngân hàng nêu trên vừa bị NHNN “tuýt còi”.
Bởi theo NHNN, “việc tăng phí dịch vụ ATM phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông tin, hài hòa lợi ích giữa các bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ”. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đã nhiều lần các ngân hàng tăng phí dịch vụ, song không đi liền với điều chỉnh, nâng cấp dịch vụ, đặc biệt là giao dịch rút tiền tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như nhiều cây ATM bị hư hỏng nhưng không sớm được xử lý; hay tình trạng trong các dịp lễ Tết, người dùng thẻ xếp hàng dài để rút tiền nhưng khi đến lượt, cây ATM báo hết tiền... không phải là chuyện hiếm.
Cũng theo yêu cầu của NHNN, việc tăng phí “phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông tin”, tuy nhiên nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thẻ của các ngân hàng thương mại, chỉ có Vietcombank thông báo biểu phí mới, còn lại 3 ngân hàng là Agribank, VietinBank và BIDV là cập nhật phí rút tiền nội mạng lên biểu phí cũ hồi tháng 5 mà không có thông báo chính thức.
Điều đáng nói, Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank tăng thu phí rút tiền ATM nội mạng khi hoạt động dịch vụ của cả 4 ngân hàng đều tăng trưởng rất tốt. Hoạt động này hoàn toàn có thể bù đắp được chi phí lỗ từ mảng ATM (nếu có). Trong đó, đáng kể nhất là Vietcombank. Tốc độ tăng trưởng mảng dịch vụ của Vietcombank áp đảo cả mảng chính là lãi thuần.
Qua việc này có thể thấy các “ông lớn” ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn “chia sẻ” với người sử dụng dịch vụ, chưa tìm được sự đồng thuận trong khách hàng trong khi các ngân hàng bé, lợi nhuận không “khủng” bằng lại có vẻ được lòng người tiêu dùng hơn khi họ vẫn miễn phí giao dịch này cho khách.