Thị trường bán lẻ TP.HCM Quý 2/2020: Không có dự án mới "trình làng"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính sách “giãn cách xã hội” trong ba tuần đầu tiên của tháng 4/2020 đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời tất cả các trung tâm thương mại (TTTM) tại TP.HCM.
Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bắt đầu có những hồi phục tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Ảnh: Internet
Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bắt đầu có những hồi phục tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Ảnh: Internet

Sau giai đoạn này, hầu hết các TTTM bắt đầu hoạt động trở lại nhưng với nhiều diện tích trống hơn do tâm lý thuê yếu vẫn tiếp tục, đặc biệt ở các TTTM tại các quận rìa trung tâm.

CBRE cho biết, không có dự án bán lẻ mới "trình làng" trong quý II/2020. Tại khu vực ngoài trung tâm, Dự án Vincom Megamall Thảo Điền mở rộng một phần diện tích hơn 3.000 m2 tại khu vực hầm, vốn được dùng làm văn phòng trước đây. Tính đến quý II, tổng diện tích bán lẻ khu vực TP.HCM không thay đổi nhiều so với giai đoạn cuối năm 2019, ước đạt 1.040.000 m2 diện tích thực thuê.

Tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã bắt đầu có những hồi phục, tuy nhiên chưa thật sự khởi sắc. Theo thống kê của Google Mobility Index dựa trên định vị, số lượng người đến các TTTM và mua sắm đã hồi phục 80% so với giai đoạn tháng 1/2020, vốn là tháng mua sắm sầm uất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán.

Tuy nhiên, thống kê tại TP.HCM, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, dịch vụ lữ hành giảm mạnh nhất, đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tín hiệu tích cực đến từ doanh thu hàng hóa, tăng 10% so với cùng kỳ. Theo thống kê từ CBRE, tại một số chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, doanh thu trong tháng 6 đã hồi phục 40 - 70% so với giai đoạn trước dịch, tuy nhiên, mức độ hồi phục khác nhau cho các vị trí.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhận xét, các khu vực bán lẻ vốn phụ thuộc nhiều về khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài và dân văn phòng, có mức độ hồi phục chậm hơn do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và ảnh hưởng kinh tế nói chung lên mức thu nhập của người dân. Ước tính đến hết năm 2020, tâm lý người tiêu dùng vẫn sẽ dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm về sức khỏe...

Tại các TTTM, giá chào thuê không thay đổi so với quý trước (giá chào thuê được CBRE báo cáo không tính đến các ưu đãi, chính sách hỗ trợ ngắn hạn từ chủ đầu tư). So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê trung bình tầng trệt và tầng một của khu trung tâm tăng 3,8% và giá chào thuê khu ngoài trung tâm giảm 0,9%. Đối với tỷ lệ lấp trống, thị trường ghi nhận mức tăng 0,3 điểm phần trăm tại khu trung tâm và tăng 5,4 điểm phần trăm tại khu ngoài trung tâm (tương đương 300 m2 cho khu trung tâm và 49.000 m2 cho khu ngoài trung tâm).

Tuy nhiên mức độ tăng, ngoài yếu độ địa lý, còn tùy thuộc vào mô hình bán lẻ. Các TTTM vốn có lưu lượng khách hàng tốt phục hồi nhanh hơn trong khi các dự án có cơ cấu ngành hàng không đa dạng hoặc không phù hợp, tỷ lệ trống có thể cao hơn. Trung bình, mô hình TTTM tăng 4 điểm phần trăm cho tỷ lệ trống, TTTM tổng hợp tăng nhẹ 0,5 điểm phần trăm và Khối đế bán lẻ tăng mạnh gần 9 điểm phần trăm.

Tình hình trả mặt bằng tại các khối đế bán lẻ của chung cư diễn ra nhiều hơn so với TTTM, đặc biệt là các nhóm ngành hàng về ăn uống và thời trang trong nước. Các nhóm khác như siêu thị, sức khỏe, cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường. Tỷ lệ trống dự kiến sẽ có cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm 2020 trong khi giá chào thuê sẽ giữ ở mức hiện tại, đi kèm với các chính sách hỗ trợ giá thuê ngắn hạn đến từ chủ đầu tư.

Trước tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, hầu hết các thương hiệu bán lẻ trên thế giới tạm dừng việc tìm kiếm các mặt bằng thuê mới mà chú trọng hơn về cải thiện tình hình kinh doanh tại các của hàng hiện hữu.

Trong một báo cáo liên quan đến thị trường bán lẻ, JLL cũng cho rằng, tâm lý thị trường yếu do dịch Covid-19 dẫn tới tỷ lệ trống gia tăng. Tuy nhiên, theo quan sát của JLL, việc áp dụng chính sách “giãn cách xã hội’ trong thời gian ngắn ở Việt Nam đã không thay đổi quá nhiều thói quen sử dụng dịch vụ ẩm thực. Điều này được chứng minh bởi lưu lượng khách hàng đang dần quay trở lại các nhà hàng và dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố.

Đang lưu ý, giá thuê trong quý II/2020 vẫn không thay đổi so với quý trước và giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,4 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và 38,5 USD/m2/tháng ở khu vực ngoài trung tâm.

Tuy tâm lý không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai trương, nhưng JLL dự báo, gần 280.000 m2 sàn bán lẻ ​​sẽ gia nhập trong nửa cuối năm 2020. Mặc dù giá thuê tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, các nhà phát triển TTTM nội địa nên xem xét lại mô hình cho thuê cố định truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu, để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê.

Ngoài ra, về lâu dài, với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, các TTTM nên tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đa dạng hóa ngành hàng và dịch vụ để giữ chân khách hàng cũng như tránh đi theo "vết xe đổ" ở các thị trường phát triển.

Tin cùng chuyên mục