Bộ trưởng Thăng: Hà Nội, TP. HCM được hạn chế xe cá nhân

Theo Bộ trưởng Giao thông, khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý phương thức vận tải cho những thành phố lớn, Chính phủ đã đồng ý để các địa phương được lập giải pháp riêng và trình hội đồng nhân dân quyết định.

Sáng 29/12, trả lời kiến nghị của Chủ tịch Hà Nội về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng khẳng định Chính phủ đã phân quyền cho địa phương. “Khi cho ý kiến với đề án phát triển hợp lý các phương thức vận tải cho các thành phố lớn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình hội đồng nhân dân do đặc thù từng nơi khác nhau”, ông Thăng nói tại ngày làm việc thứ hai của cuộc đối thoại giữa Chính phủ với các địa phương.

Bộ trưởng Thăng cho biết thêm, tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, cơ quan này đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện bằng nhiều cách như theo từng tuyến đường, loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định.

“Hà Nội và TP HCM chủ động lập phương án, Bộ Giao thông sẽ phối hợp thực hiện”, ông nói thêm. 

Trước đó, trong ngày đầu hội nghị, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân với lý do trong khoảng 4-5 năm tới tình hình giao thông Thủ đô sẽ rất phức tạp nếu không có giải pháp quyết liệt từ lúc này. 

Ông Chung cho hay, bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố có 18.000-20.000 xe máy đăng ký mới và từ 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới, với tốc độ này và nhất là từ năm 2018 khi các dòng thuế liên quan giảm, thì đến năm 2020 Hà Nội có gần 1 triệu ôtô (chưa kể ôtô của các lực lượng vũ trang), 7 triệu xe máy. 

So sánh phương tiện cơ giới tại Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành - Bá Đô

Trước đó, vào cuối năm 2013, tại đề án trình Chính phủ, Bộ Giao thông đã đặt ra một số ưu tiên như: Phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; đầu tư các điểm trung chuyển; phát triển trung tâm quản lý và điều hành vận tải công cộng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo quy hoạch. 

Phương tiện cá nhân sẽ được quản lý thông qua phân luồng và kiểm soát trên một số tuyến phố theo giờ nhất định trong ngày và ngày nhất định trong tuần, kết hợp với tăng tần suất vận tải hành khách công cộng; áp dụng nhiều mức thu phí trông giữ phương tiện theo hướng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài; tăng dần theo mật độ giao thông; nâng cấp, quản lý vỉa hè, ưu tiên cho người đi bộ. 

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội và TPHCM đảm nhận từ 20-25%; vận tải cá nhân chiếm 75-80%. Các TP. Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 10-15%; vận tải cá nhân: 85-90%. 

Đề án cũng nêu việc đảm bảo tỷ lệ quỹ  đất dành cho giao thông đô thị, trong đó có tỷ lệ quỹ  đất hợp lý cho giao thông tĩnh từ 5-7%, quỹ đất dành cho người đi bộ ở mức hợp lý (2%). 

Tin cùng chuyên mục