Bứt phá mới của khu vực kinh tế tư nhân

(BĐT) - Môi trường kinh doanh (MTKD) ngày càng cải thiện, rào cản đối với doanh nghiệp (DN) liên tục được nỗ lực cắt giảm… Chính nhờ những nỗ lực này mà bên cạnh những “ông lớn” DN nhà nước thì hiện khối kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam đang có những bứt phá mới, nhiều tỷ phú USD đã xuất hiện và đang có những đóng góp tích cực, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.
Trong 3 năm qua, Đảng, Chính phủ nỗ lực cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Trong 3 năm qua, Đảng, Chính phủ nỗ lực cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Nhiều tỷ phú USD đến từ khu vực tư nhân

Bảng xếp hạng tỷ phú USD thế giới được Forbes công bố năm nay cho biết,  Việt Nam đã có 05 tỷ phú được ghi tên vào danh sách này. Trong đó có ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam. Theo Forbes, ông Vượng được ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam với tài sản định giá 6,6 tỷ USD, đứng thứ 239 thế giới, tăng 2,3 tỷ USD so với năm 2018. Tiếp đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet - với tài sản đạt 2,3 tỷ USD và đứng ở thứ hạng 1.008 thế giới…

Điểm chung rất đáng chú ý là các tỷ phú của Việt Nam đều đến từ  khu vực KTTN - một khu vực đang được xem là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng người giàu của Việt Nam tăng lên là điều đáng mừng. Điều này chứng tỏ chúng ta đang có MTKD thuận lợi giúp gia tăng số lượng người giàu.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, số lượng tỷ phú, đại gia tăng nhanh… cùng với tốc độ phát triển kinh tế là tín hiệu tích cực. Điều này phần nào thể hiện sự phồn vinh, phát triển của một quốc gia.

Đáng mừng hơn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các tập đoàn KTTN lớn nhất Việt Nam và người giàu nhất Việt Nam cũng là người có tầm nhìn xa, thấy được và quyết định đúng lúc trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là quyết định mở rộng sang lĩnh vực công nghiệp.

Xét về số lượng, ngày càng nhiều DN tư nhân tham gia thị trường. Riêng năm 2018, số lượng DN đăng ký thành lập mới hơn 131.000 DN với số vốn đăng ký hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số lượng DN đăng ký mới và tăng 14,1% về vốn đăng ký. Tính đến thời điểm ngày 20/12/2018, số DN đang hoạt động là 715.000 DN, trong khi lũy kế tổng số DN đã đăng ký thành lập đến nay khoảng 1,3 triệu DN (Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2018). 

Nỗ lực khơi dậy động lực tăng trưởng

Khu vực KTTN phát triển được như trên cho thấy sự đúng đắn và thành quả của nỗ lực cải cách, nâng cao chất lượng MTKD ở nước ta suốt thời gian qua.

Từ sau Đại hội VI của Đảng, KTTN từ chỗ bị hạn chế phát triển, đã từng bước được thừa nhận vai trò quan trọng và đến nay được coi là một động lực của nền kinh tế (Nghị quyết (NQ) Đại hội XII của Đảng). Quá trình thay đổi quan điểm phát triển KTTN được thể hiện rõ ràng hơn trong các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội. Đặc biệt, Đại hội IX đánh dấu một bước ngoặt trong quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của KTTN khi khẳng định KTTN là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được “khuyến khích phát triển không hạn chế về quy mô trong những ngành, nghề, lĩnh vực và địa bàn mà pháp luật không cấm”. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII đã ban hành NQ về phát triển KTTN, trong đó đưa ra nhiều giải pháp lớn quan trọng, cụ thể nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn trong phát triển KTTN trong giai đoạn tới.

Ảnh: Huyền Anh

Năm 2013, lần đầu tiên trong Hiến pháp, KTTN được Nhà nước khẳng định sẽ được “khuyến khích, tạo điều kiện” phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm trước đó và ngay từ những năm 2000, hệ thống pháp luật đã được sửa đổi mạnh mẽ để tạo thuận lợi, “cởi trói” và thúc đẩy sự phát triển khu vực KTTN. Nếu Luật DN năm 1999 được coi là một bước đột phá trong cải cách thể chế, hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh thì Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 đã nâng cao hơn một bước trong đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm; công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; tạo đột phá trong thiết chế khung quản trị DN theo thông lệ quốc tế tốt hướng đến thúc đẩy kinh doanh bền vững, chuyên nghiệp và dài hạn.

Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự nỗ lực mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ trong cải cách toàn diện và có hệ thống nhằm nâng cao chất lượng MTKD, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của DN tư nhân.

Nỗ lực cải cách MTKD nói trên đã tạo ra kết quả tích cực; tác động mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến trong thay đổi tư duy quản lý nhà nước sang hỗ trợ, thúc đẩy (thay cho tư duy quản lý, siết chặt). Rất nhiều quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng được ban hành và hoàn thiện cũng như đang trong quá trình sửa đổi nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về nâng cao chất lượng MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. 

Cả Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nỗ lực

Cần phải nhấn mạnh rằng, cải cách là một quá trình thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trong bối cảnh mới với nhiều thay đổi khó lường, gia tăng sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia; biên giới và không gian cạnh tranh của DN không còn giới hạn ở địa phương, lãnh thổ mà mang tính chất toàn cầu.

Nhìn từ góc độ thể chế, mặc dù các chương trình cải cách MTKD ở nước ta đã đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhưng dư địa và đòi hỏi về mức độ cải cách còn lớn, đặc biệt trong việc cải thiện yếu tố an toàn, ít rủi ro và thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, mức độ an toàn quyền sở hữu trí tuệ của nước ta hiện đứng thứ 88/128 quốc gia, tức là ở mức độ kém. Báo cáo xếp hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam (Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018) thì các chỉ số quan trọng về chống độc quyền và đảm bảo cạnh tranh của Việt Nam rất thấp. Chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 78/138 quốc gia; chính sách chống lạm dụng độc quyền đứng thứ 94/138 quốc gia. Rõ ràng, trong thời gian tới vẫn cần thiết phải duy trì và thực thi một cách mạnh mẽ các chương trình cải cách như nêu trên của Chính phủ.

Một mặt, DN tư nhân vẫn luôn cần một MTKD rẻ hơn, an toàn hơn và cạnh tranh hơn, do đó, luôn đòi hỏi Chính phủ phải không ngừng nỗ lực trong tạo lập thể chế thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đặt trong bối cảnh môi trường cạnh tranh toàn cầu. Mặt khác, phát triển khu vực KTTN không chỉ dựa vào cải cách MTKD của Chính phủ, mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng sẽ không thể thành công nếu thiếu sự hợp tác và thiếu sự tích cực, đổi mới của cộng đồng DN.

Một số nghiên cứu, đánh giá gần đây cho thấy khu vực KTTN của Việt Nam có một số hạn chế nội tại mà chính họ phải nỗ lực vượt qua. Ví dụ, quản trị DN yếu kém đã làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, cùng với tiến triển của cải cách thì áp lực cạnh tranh đối với DN sẽ ngày càng cao, do rào cản pháp lý về gia nhập thị trường được gỡ bỏ, sẽ có nhiều DN mới tham gia và cạnh tranh với DN hiện tại. Do đó, DN cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh. Và đặc biệt lưu ý là phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị DN, giữ chữ tín trong kinh doanh, sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn và thay bằng tư duy dài hạn, chuyên nghiệp.

Tin cùng chuyên mục