Cải thiện hiệu quả đầu tư nhờ tái cơ cấu

(BĐT) - Đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kỷ cương trong đầu tư công đã bước đầu được nâng cao...
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện; tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước…

Kết quả bước đầu tích cực

Theo Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, thuận lợi. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước hồi phục; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo.

Thể chế đầu tư công từng bước được hoàn thiện, hiệu quả đầu tư bước đầu được cải thiện. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước từng bước được thực hiện, thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất cho vay trung bình giảm. Tái cơ cấu các ngành kinh tế đã đạt được một số thay đổi về chuyển dịch tỷ trọng các ngành. 

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện. Môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc.

Cùng với đó, việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra: Cơ cấu đầu tư chậm thay đổi, tình trạng lãng phí, thất thoát còn phức tạp, hiệu quả đầu tư còn thấp so với yêu cầu, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công chưa cao so với thông lệ quốc tế và tăng trưởng đầu tư tư nhân chưa như kỳ vọng. Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tiến triển chậm và thiếu thực chất. Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là ngân hàng thương mại, còn nhiều vướng mắc, một số yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các tổ chức tín dụng chưa được giải quyết cơ bản; nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng chưa được giải quyết một cách thực chất.

Ngoài ra, thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành. 

Phân tích rõ cơ sở tính toán

Theo Tờ trình của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực
Cho ý kiến thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần làm rõ mô hình tăng trưởng, từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới. Cần nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin - cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn 2013 - 2015 cần được ưu tiên giải quyết trong 2 năm đầu của Kế hoạch để tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực khác trong giai đoạn trước chưa được quan tâm. Đồng thời, cần bảo đảm sự gắn kết giữa tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng. Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với kết quả cuối cùng là đời sống thực chất người dân được cải thiện.

Liên quan cụ thể đến chỉ tiêu định lượng mới được Chính phủ đề xuất, Ủy ban Kinh tế nhận định, Chính phủ cần phân tích rõ cơ sở tính toán chỉ tiêu “tỷ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội” đã được đặt ra trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, xu hướng giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước. Theo Ủy ban Kinh tế, chỉ tiêu này là phù hợp nhưng cũng đặt vấn đề: “Mức giảm liệu có được bù đắp bởi việc tăng vốn từ khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm?”.

Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất mục tiêu “dành 24 - 25% dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cho đầu tư phát triển” trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp với chiều sâu. Việc tăng tỷ trọng dự toán chi ngân sách cho đầu tư phát triển cần gắn với các giải pháp để đầu tư trọng điểm, tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư.

Tin cùng chuyên mục