Cải thiện môi trường kinh doanh: Chính phủ “xắn tay” hành động

(BĐT) - “Động thái” cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp (DN) của Chính phủ năm nay rất khác so với những năm trước. Đó là thay vì theo dõi, đôn đốc, nhận báo cáo và cập nhật tình hình, Chính phủ chủ động “xắn tay” hành động.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tiếp nối tinh thần cải cách mạnh mẽ, xóa bỏ rào cản, hỗ trợ DN phát triển của những năm trước, ngay ngày đầu năm mới 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, cùng với đó là các hành động cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận: “Nếu như các năm trước, triển khai nghị quyết về môi trường kinh doanh, Chính phủ tổ chức một hội nghị phát động toàn quốc, thì năm 2020, Chính phủ đã có ít nhất 3 cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với những nội dung khác nhau, trong đó có việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh, Chỉ số tiếp cận điện năng... theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Thay vì theo dõi, đôn đốc, nhận báo cáo và cập nhật tình hình thì lần này, Chính phủ “xắn tay” vào việc. Chính phủ cùng với các cơ quan liên quan bàn các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn về thời gian cũng như kết quả thực hiện”.

Một điểm nhấn khác được ông Hiếu chỉ ra là Chính phủ chủ động thực thi các giải pháp cải cách thay vì đợi các bộ, ngành. Chính phủ dự kiến, nếu cần sửa đổi thể chế thuộc thẩm quyền bộ trưởng ban hành thì bằng thẩm quyền của mình, Thủ tướng sẽ ra quyết định bãi bỏ những văn bản đó và có hiệu lực thực thi ngay. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ đã biến thành hành động, vì thế kỳ vọng môi trường đầu tư kinh doanh năm nay sẽ có kết quả cải thiện tích cực hơn rất nhiều so với năm 2019.

Tiếp đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2020 (ngày 2/1), Chính phủ tổ chức cuộc họp và thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Tổ công tác này có nhiệm vụ đưa ra chương trình cải cách sâu rộng nhất trên cơ sở rà soát toàn bộ quy định pháp luật, dù quy định ở bất kỳ cấp độ nào mà cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh thì đề xuất cắt bỏ… Tổ sẽ đề xuất chương trình cải cách toàn diện, bảo đảm các nguyên tắc như "một đổi hai", tức là nếu ban hành mới một thông tư thì phải cắt hai thông tư; hay nguyên tắc "một đổi một", nếu ban hành một nghị định mới thì phải bỏ đi một nghị định cũ; việc ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế phải bảo đảm nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản để giảm số lượng văn bản, rút ngắn thời gian ban hành và tiết kiệm chi phí…

Cùng với quyết tâm cao và nỗ lực thực hiện các giải pháp nêu trên, ông Hiếu còn lưu ý tránh tình trạng cát cứ trong xây dựng pháp luật. “Ở chừng mực nào đó, các bộ chủ quản vẫn có thể tham mưu xây dựng luật, nhưng tình trạng cát cứ trong xây dựng nghị định phải chấm dứt”, ông Hiếu nhấn mạnh. Nghị định của Chính phủ phải hướng dẫn cho cùng một nhóm vấn đề, hướng dẫn nhiều luật. Chẳng hạn, các luật liên quan đến đầu tư, xây dựng như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Quản lý phát triển đô thị... cần một nghị định của Chính phủ hướng dẫn chung và cùng đặt trên bàn cân thì mới tránh được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn hiện nay. Việc này còn giúp Nhà nước và DN đỡ tốn kém chi chí.

Tin cùng chuyên mục