Cấp bách kết nối DN trong nước và nước ngoài

(BĐT) - Trong bối cảnh căng thẳng của thương mại quốc tế, sản xuất phải gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0..., doanh nghiệp (DN) đang đứng trước những thách thức rất lớn. Chỉ có liên kết với nhau, tạo nên sức mạnh cộng hưởng thì các DN mới có thể đủ sức cạnh tranh và phát triển.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao. Ảnh: Lê Tiên

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề cập đến vấn đề liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm hướng tới lợi ích chung.

Lan tỏa công nghệ từ khu vực FDI

Đánh giá kết quả đạt được sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN trong nước và DN nước ngoài ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục tăng trưởng ở mức cao.

Trong đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, không thể không nhắc đến sự đóng góp của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt trên 326 tỷ USD và tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. Trong đó, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và cho 5-6 triệu lao động gián tiếp. Ở khía cạnh gián tiếp, khu vực FDI còn tạo ra những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động…

Còn về khả năng tận dụng cơ hội có được từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận xét, nếu như trước đây tỷ lệ tận dụng các FTA là rất thấp thì kể từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ này đã tăng lên nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương và của cả cộng đồng DN, việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó 21 năm có sự đồng hành của VBF. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều chính sách được cập nhật, bổ sung cho phù hợp, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi đã được tháo gỡ và xử lý thuận lợi. Từ đó đã tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Kết quả này cũng ghi nhận sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo ông Tomaso Andreatta - đồng Chủ tịch VBF, năm 2018 là một năm tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đạt được kết quả này là nhờ vào một loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt là liên quan đến xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…), góp phần giúp DN giữ vững và gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh quốc tế phức tạp. 

Không thể thiếu vai trò tự thân của DN

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Đây là thách thức cạnh tranh rất lớn cho cả khối DN trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phục hồi, xu hướng đổi mới công nghệ mạnh mẽ như cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo… Điều này còn đặt ra yêu cầu phải thay đổi tư duy quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sáng tạo… Và một trong những nguyên nhân mấu chốt là khả năng hấp thụ công nghệ của DN trong nước còn nhiều hạn chế, nên có sự chênh lệch giữa hai khối DN, chưa tìm được tiếng nói chung. Ngược lại, DN FDI chưa có sự tương tác nhiều với DN trong nước để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, chuẩn hóa quy trình sản xuất.

Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò quan trọng nhất vẫn phải là ý thức tự thân của các DN.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, trong thời gian tới, các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng hành cùng với DN, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Tin cùng chuyên mục