Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh: Bước đầu hoàn thành chỉ tiêu về con số

(BĐT) - Dù hơn 10 ngày nữa mới đến thời hạn cuối cùng các bộ, ngành phải hoàn thành và trình phương án cắt giảm, đơn giảm hóa ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh, nhưng tới thời điểm này tất cả các bộ đã hoàn thành nhiệm vụ.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chưa thực sự thay đổi về chất. Ảnh: Tường Lâm
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh chưa thực sự thay đổi về chất. Ảnh: Tường Lâm

Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, hiện nay, tất cả các bộ đã triển khai rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh. “Như vậy, về mặt con số theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP cũng như Chỉ thị số 20/CT-TTg là đã đạt được. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trong việc rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét.

Về chất lượng của các dự thảo nghị định này, bà Thảo cho hay, do các dự thảo vừa mới gửi lên, các bộ lại gửi dồn dập trong thời gian ngắn nên chưa có sự thẩm định của các bên liên quan, do đó chưa thể đánh giá. Tuy nhiên, về sơ bộ, dự thảo các nghị định gửi về cho thấy, tỷ lệ cắt bỏ hẳn điều kiện kinh doanh bất hợp lý dường như vẫn còn ít so với tỷ lệ sửa đổi.

Liên quan đến nội dung này, mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng công bố một con số ấn tượng. Đó là, tính đến cuối tháng 6/2018, đã có 11 bộ đã đưa ra phương án dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% tổng số điều kiện kinh doanh.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI thì đây là con số ấn tượng nhất về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù vậy, đại diện VCCI vẫn cho rằng, kết quả này mới chỉ dừng ở bề mặt, chưa thực sự thay đổi về chất, bởi lẽ, trong quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, các bộ, ngành đang bỏ quên một số tiêu chí trọng yếu. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhận xét, phần lớn các bộ, ngành mới chỉ cắt giảm những quy định nhỏ, cách tiếp cận cũ nên thực sự không có giá trị lớn, không giải quyết được bất cập thực tiễn.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa kết thúc, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan địa phương và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác. Qua kiểm tra cho thấy, mặc dù các bộ đã có nhiều cố gắng rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh chưa cao. Đến nay, các bộ ngành đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 616/9.339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%). Nếu không có gì thay đổi, sẽ cắt được 55% điều kiện kinh doanh như đề ra trước 15/8/2018.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có những chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất. Đó là tiếp tục cải cách thể chế, chính sách pháp luật, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tập trung mạnh vào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó,  các bộ ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, các bước triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục