Chính phủ yêu cầu xử lý lạm thu, gian lận phí BOT

Bộ Giao thông vận tải được giao đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2016.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh ngay hiện tượng lạm thu, gian lận thu phí BOT.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chấn chỉnh ngay hiện tượng lạm thu, gian lận thu phí BOT.

Quyết tâm "không lùi bước" trước những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, lạm phát dưới 5%... một lần nữa được đặt ra tại Nghị quyết thường kỳ tháng 7 của Chính phủ vừa được công bố. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thẳng thắn kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những hạn chế; tháo gỡ rào cản nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...

Trước những phản ánh về lạm thu phí BOT trên cả nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT và khẩn trương đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2016.

Trong một văn bản chỉ đạo mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đàm phán với các nhà đầu tư, giảm 10-20% phí BOT trên một số tuyến cao tốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ ban thành Thông tư điều chỉnh phí BOT cho phù hợp.

Cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý, trong đó đã có 45 trạm đang thu phí. Trong số này có 5 trạm BOT đang áp dụng mức thu cao nhất (2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm thu phí Quốc lộ 1 tại cầu Bến Thủy, Nghệ An và trạm Cầu Gianh, Quảng Bình).

Riêng với chính sách tiền tệ, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, hiện mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số nhà băng cổ phần đã giảm 0,5% một năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đã giảm về tối đa 10% một năm với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Nghị quyết của Chính phủ vẫn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, phối hợp chặt với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và giảm mặt bằng lãi suất huy động, cho vay xuống thấp hơn nữa.

Cơ quan điều hành tiền tệ cần theo dõi sát thị trường, có chính sách điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện trong tiếp cận vốn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng tại Nghị quyết lần này, Chính phủ "đặt hàng" Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, trình trong tháng 9/2016. Cơ quan này cũng cần siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi; đồng thời kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế giá trị gia tăng, đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các bộ quản lý ngành củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, nhất là nông sản, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Ngành này cũng cần rà soát cơ chế thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ....

Tin cùng chuyên mục