Cơ hội đan xen thách thức đối với xuất khẩu

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với quy mô kinh tế nội khối chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam với quy mô kinh tế nội khối chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cơ cấu lại thị trường

Theo kế hoạch, CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 tới đây, mở ra một thị trường rộng lớn cho  doanh nghiệp (DN) Việt Nam với quy mô kinh tế nội khối chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu.

Phân tích của Chính phủ về cơ hội từ CPTPP cũng cho thấy, về tổng thể, tham gia CPTPP có lợi cho Việt Nam, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Việc có quan hệ hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Đồng tình với phân tích trên, tại nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, CPTPP có thể tạo ra những cơ hội quý giá cho Việt Nam. Đó là cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam, từ đó tăng lợi nhuận cho DN, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Còn đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) nhìn nhận, CPTPP sẽ tác động mạnh đến một số ngành kinh tế, dự kiến tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất đối với các ngành: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa, đồ uống có cồn, đồ da,...

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lạc quan cho rằng, tác động thương mại từ CPTPP với Việt Nam là rất tốt, bởi thuế suất với nhiều mặt hàng sẽ giảm sâu. Đây là cơ hội tốt để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường 10 nước thành viên khác của CPTPP. 

Cẩn trọng với “bẫy” giảm thuế quan trong CPTPP

Mặc dù các phân tích đưa ra đều cho thấy, nhìn về tổng thể CPTPP sẽ là cơ hội tốt cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nội khối. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) không ít lo lắng khi phân tích: “So sánh về các mặt hàng chủ đạo, 10 mặt hàng chính thì hiện nay Việt Nam đang gần như xếp vào nhóm cuối cùng. Nhóm mặt hàng được đánh giá là có lợi thế lớn nhất là dệt may, giày da, đồ gỗ chúng ta xếp hạng thứ ba; nhóm mặt hàng đồ gia dụng xếp thứ năm...”.

Dẫn kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Trên thực tế, DN Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn khi năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chủ yếu là các DN quy mô nhỏ... “Với CPTPP, DN Việt Nam sẽ phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà với hàng hóa, dịch vụ đến từ các nền kinh tế thành viên CPTPP, đặc biệt là những hàng hóa, dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không cao” – đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Cùng chung nhận định này, đại diện Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý DN Việt Nam cẩn trọng với “bẫy” của các FTA mới, đó là hàng rào thuế quan giảm rất sâu, nhiều mặt hàng ngay lập tức ở mức 0% . Điều này có thể gây tâm lý chủ quan cho DN, không cần cố gắng, không cần phải “vận nội công” nâng cao năng lực nội sinh mà vẫn có thể xuất khẩu hàng hóa. “Một điểm quan trọng để hưởng thuế suất 0% là DN phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, đảm bảo được mặt hàng đó đạt bao nhiêu % sản xuất trong khối. Cùng với đó, nhiều nước thành viên của CPTPP có trình độ phát triển cao… Vì vậy, sức cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam sẽ rất gay gắt” - ông Thắng nhấn mạnh.

Nhìn vào cơ cấu kinh tế của Việt Nam, ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của chúng ta là dệt may, da giày… sẽ là những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực. Song đó đều là các mặt hàng xuất khẩu đang sử dụng nhiều lao động và nếu Việt Nam chỉ tập  trung vào những ngành này để hưởng lợi thế từ CPTPP thì vô hình trung DN sẽ khó có thể cố gắng chuyển dịch cơ cấu sang những ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

Nhìn rõ thách thức này, tại Báo cáo tóm tắt Thuyết minh về CPTPP trình Quốc hội ngày 30/10/2018, Chính phủ cũng nhận định, không phải tất cả các mặt hàng Việt Nam đều thuận lợi, mà còn có những mặt hàng chịu thách thức lớn từ Hiệp định. Xét theo mặt hàng thì thịt lợn, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Bên cạnh đó, có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như: Giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, chúng ta có lộ trình để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, từ đó đủ sức cạnh tranh trên sân nhà và vươn ra thị trường thế giới.  

Tin cùng chuyên mục