Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Trước sức ép của việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2017, một số chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để đạt được mục tiêu này mà không cần phải khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, khai thác than, hay xuất khẩu khoáng sản tồn kho. Điều quan trọng là Chính phủ phải thực sự quyết tâm.
Cần tập trung phát triển những ngành có triển vọng tăng trưởng trong năng suất lao động, giảm quy mô ngành có năng suất lao động âm. Ảnh: Lê Tiên
Cần tập trung phát triển những ngành có triển vọng tăng trưởng trong năng suất lao động, giảm quy mô ngành có năng suất lao động âm. Ảnh: Lê Tiên

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là chính đáng

Dẫn đề tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 - Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện có 2 luồng quan điểm về quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 của Chính phủ.

Một là, tăng trưởng thấp hơn mục tiêu khoảng từ 6,3 - 6,5% cũng là một kết quả có thể chấp nhận được. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng, tăng trưởng thấp là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, không tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng nữa.

Hai là, phải giữ bằng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% bởi nếu không đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp kinh tế tăng trưởng không đạt mục tiêu. Nhìn trên góc độ bẫy thu nhập trung bình thì sự chững lại về tăng trưởng quá sớm cho thấy nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam ngày càng rõ nét hơn. Kinh nghiệm các nước cho thấy, để GDP có thể tăng gấp đôi trong 10 năm thì trung bình tăng trưởng kinh tế các năm phải trên 7%.

Đánh giá về quyết tâm của Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định quyết tâm này là hoàn toàn chính đáng. Bởi nếu không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì một số cân đối vĩ mô khác, đặc biệt là ngân sách sẽ bị phá vỡ, nợ công/GDP vượt trần…, kéo theo một số rủi ro khác.

Với những giải pháp ngắn hạn được nêu ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng cường khai thác dầu thô, khai thác than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho, đặt mục tiêu cao hơn cho tăng trưởng nông nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Sơn cho rằng, làm như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, khai thác thêm dầu, than, xuất khẩu khoáng sản tồn kho có thể sẽ gây nguy cơ thua lỗ cho doanh nghiệp khi giá của các mặt hàng này trên thế giới có yếu tố bất lợi. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nếu không đi kèm với biện pháp giám sát chặt chẽ về chất lượng thì sẽ dẫn đến hiệu quả thấp và nợ công tiếp tục tăng trong tương lai. Ngoài ra, đặt mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp năm 2017 cao hơn sẽ đi kèm với những rủi ro đối với thị trường đầu ra, đặc biệt với xuất khẩu. 

Có khả năng tăng trưởng tới 8 - 9%

Những tiềm năng tăng trưởng nêu trên được cho là “nằm trong tầm tay của Chính phủ. Chỉ cần có chính sách tốt và đúng, kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 8 - 9% chứ không phải cố gắng đạt 6,7% mà vẫn còn hết sức chật vật như hiện nay”
Nếu không xuất khẩu thêm 1 triệu tấn dầu thô, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải dựa vào 3 trụ cột để đạt mục tiêu tăng trưởng. Một là, phải tập trung vào kích thích tiêu dùng bởi tiêu dùng trong nước chiếm 75% tổng tiêu dùng của năm 2016 với 3,7 triệu tỷ đồng. Nếu kích cầu để tiêu dùng tăng 1% thì kinh tế sẽ có thêm 38 ngàn tỷ đồng, gấp 4 lần so với việc xuất khẩu 1 triệu tấn dầu thô khai thác với giá trị là 9,2 ngàn tỷ đồng.

Hai là, dịch vụ, đặc biệt là du lịch vẫn còn tiềm năng lớn. Du lịch của Việt Nam hiện khai thác chưa hết, có thể tăng thêm trên 31%. Năm ngoái, ngành du lịch đóng góp 35 ngàn tỷ đồng, nếu tăng thêm 30% sẽ có thêm 7 - 8 ngàn tỷ đồng cho kinh tế - ông Lực tính toán.

Ba là, phải quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam đã có 61.000 doanh nghiệp (DN) thành lập trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên để nuôi dưỡng số lượng DN này hoạt động lại là cả vấn đề. Nếu tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, sẽ tạo thêm nhiều việc làm, từ đó kích thích tiêu dùng.

Ở góc tiếp cận riêng, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% có thể vẫn là thấp, tiềm năng và dư địa tăng trưởng của Việt Nam phải là 8 - 9%.

Theo đó, 6 tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn được ông Cung đưa ra viện dẫn cho nhận định của mình là: Thứ nhất, cải thiện hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là DNNN. Hiện trong số tài sản của DNNN, nếu tăng 1 điểm % về hiệu quả thì kinh tế có đến 3 tỷ USD, tương đương với 1,5 điểm % tăng trưởng. Đối với vấn đề này, kinh tế có dư địa 4 điểm % tăng trưởng.

Thứ hai, cải thiện hiệu quả khu vực kinh tế tư nhân, vì nếu tăng 1% với tổng tài sản của kinh tế khu vực tư nhân (hiện khoảng 200 tỷ USD) thì đã có 2 tỷ USD.

Thứ ba, tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI đã cam kết và ODA đã ký kết. Hiện còn 180 tỷ USD vốn cam kết FDI và khoảng 15 tỷ USD ODA đã ký kết chưa giải ngân.

Thứ tư, giảm chi phí cho DN để tạo dư địa cho tăng trưởng. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm gần 21% GDP, nếu giảm 1 điểm % thì chúng ta có 4 tỷ USD, giảm khoảng 2 điểm % có đến gần 10 tỷ USD.

Thứ năm, tập trung phát triển 2 vùng kinh tế động lực là TP.HCM và Hà Nội. 2 vùng này hiện chiếm khoảng hơn 50% GDP của cả nước, 70% FDI, 2/3 tổng thu ngân sách, 70% các cơ quan nghiên cứu khoa học… Theo tính toán, với riêng các địa phương kết nối với TP.HCM, nếu chỉ tăng 1 điểm % cho tứ giác phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Vũng Tàu thì kinh tế cả nước đã tăng được 0,4% GDP.

Cuối cùng, cần tập trung phát triển những ngành có triển vọng tăng trưởng trong năng suất lao động và giảm quy mô của những ngành mà năng suất lao động âm.

Những tiềm năng tăng trưởng nêu trên được cho là “nằm trong tầm tay của Chính phủ. Chỉ cần có chính sách tốt và đúng, kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 8 - 9% chứ không phải cố gắng đạt 6,7% mà vẫn còn hết sức chật vật như hiện nay” – ông Cung khẳng định.

Tin cùng chuyên mục