Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào EVFTA

(BĐT) - Theo Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được công bố chiều 18/5, dự kiến ngày 20/5, Quốc hội sẽ nghe báo cáo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và phê chuẩn vào ngày 28/5. Đây là hiệp định kinh tế quan trọng với Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm hậu Covid-19, và đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đón đợi.
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Ảnh: Giang Đông
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Ảnh: Giang Đông

Hoàn tất hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn

Thông tin với Báo Đấu thầu ngày 18/5, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, bộ hồ sơ Hiệp định EVFTA trình Quốc hội phê chuẩn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã hoàn tất.

Theo ông Thái, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn, hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định là Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Để phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định, Bộ Công Thương đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội, cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Hiệp định gồm 17 chương, 8 phụ lục, 2 nghị định thư, 2 biên bản ghi nhớ và 4 tuyên bố chung. So với các hiệp định trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam ký kết, EVFTA được coi là FTA thế hệ mới (tương tự CPTPP), do ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao, còn phải cam kết các lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa.

Đánh giá về tác động của Hiệp định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trước đó cho thấy, EVFTA dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, Hiệp định dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định, góp phần đa dạng hóa thị trường, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh các tác động chung tới nền kinh tế (các chỉ số kinh tế vĩ mô), Hiệp định còn có tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. 

Cú hích tăng trưởng xuất khẩu hậu Covid-19

Với hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ về mức 0% sau khi EVFTA có hiệu lực, Bộ Công Thương cho rằng, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này sẽ được hưởng lợi như: Dệt may, da giầy, thủy sản, điện tử - máy vi tính… Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực vào tháng 7/2020 sẽ là cú hích để xuất khẩu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay cũng như thời gian tới.

Đánh giá về cơ hội đối với ngành dệt may, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

Ở góc độ DN, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các DN dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU bởi ngay khi Hiệp định có hiệu lực, hơn 40% số dòng thuế đối với mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ, số còn lại có lộ trình từ 3 - 7 năm.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may có thể kỳ vọng khi các nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, họ sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, nhất là chuỗi nguyên phụ liệu. “Bắt tay” hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng, ngành dệt may có thể tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Nói về cơ hội của ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội đối với DN thủy sản Việt Nam. “Các DN xuất khẩu thủy sản đang đặt nhiều kỳ vọng EVFTA sẽ giúp đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang khu vực này”, ông Nam chia sẻ.

Trước thông tin Quốc hội Việt Nam sắp phê chuẩn EVFTA, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 vừa qua, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam khẳng định: “Hiệp định mang tính lịch sử này được phê chuẩn và thực hiện thành công sẽ giúp phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế, thu hút nhiều nguồn đầu tư mới”.

Ông Nicolas Audier cho rằng, với việc đa dạng hóa thị trường theo cách này, Việt Nam sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn truyền thống, cũng như giảm thiểu thiệt hại do xung đột thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ở những nơi khác trên thế giới.

Trước đó, tại Phiên họp mở rộng của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội diễn ra cuối tháng 4/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, việc Việt Nam ký và tiến tới phê chuẩn FTA với EU là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục