CPI giảm không đáng ngại cho tăng trưởng

(BĐT) - Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực cao nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%. Trong bối cảnh đó, việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng 4/2017, mức thấp nhất kể từ 2008 đến nay đã khiến nhiều người quan ngại. 
Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 6 tới dự kiến có thể là yếu tố khiến CPI những tháng cuối năm tăng. Ảnh: Gia Khoa
Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế vào tháng 6 tới dự kiến có thể là yếu tố khiến CPI những tháng cuối năm tăng. Ảnh: Gia Khoa

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, CPI tháng 5 giảm chưa phải là vấn đề đáng ngại đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Giá thực phẩm giảm sâu

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng 4/2017, tăng 3,19% so với cùng kỳ và tăng 0,37% so với tháng 12 năm trước.  Nguyên nhân CPI giảm là do chỉ số giá của 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43% (lương thực giảm 0,06%; thực phẩm giảm 2,27% do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,51%); giao thông giảm 0,34% do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào các ngày 5/5/2017 và 20/5/2017; bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Về việc CPI tháng 5 giảm, ông Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, CPI tháng 5 giảm chưa có gì đáng ngại đối với tăng trưởng kinh tế. “CPI tháng 5 giảm không phải do cầu (sức mua của người dân) giảm mà do giá cung cấp giảm, trong đó giá thịt lợn giảm mạnh”, ông Đức Anh nhận xét.

Vị chuyên gia này đánh giá, mặc dù CPI tháng 5 giảm, nhưng CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Lạm phát cơ bản tháng 5/2017 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bên cạnh tác động của giá dầu, giá lương thực, thực phẩm giảm, CPI giảm cũng cho thấy hiện sức cầu của nền kinh tế còn thấp. Theo ông Long, trước đây, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhưng vừa qua, CPI thấp, tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn không cao. “Các cơ quan quản lý điều hành cần hết sức lưu ý, bởi hiệnnay hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự tốt”, ông Ngô Trí Long khuyến cáo. 

Có thể đạt được tăng trưởng 6,7%

Trong bối cảnh kết quả tăng trưởng quý I/2017 đạt 5,1%, tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm 2012, 2013 và 2014, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây là 2015 và năm 2016, Chính phủ nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, nhiệm vụ của những tháng cuối năm là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các cấp, các ngành.

Dự báo về chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng cuối năm 2017, ông Đặng Đức Anh cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế (tháng 6/2017) và học phí (tháng 9/2017) có thể là yếu tố khiến CPI những tháng cuối năm tăng, nhưng mức tăng này không đáng kể. Còn giá xăng dầu, giá điện được dự báo tương đối ổn định sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả những yếu tố này dự báo lạm phát năm 2017 sẽ ở mức 4 - 4,5%, tăng trưởng 6,7% có thể đạt được nếu  các giải pháp Chính phủ đề ra được thực hiện hiệu quả.

Mới đây, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, có cơ sở để Chính phủ phấn đấu mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho tăng trưởng như: nông nghiệp phục hồi mạnh; đăng ký doanh nghiệp tăng cao cả về số DN và số vốn; giá dầu thô thế giới phục hồi đáng kể so với năm trước…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì nhìn nhận, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt được. Theo ông Phong, quyết tâm của Chính phủ đã được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Thậm chí, Thủ tướng còn đặt vấn đề xử lý kỷ luật nếu không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài những diễn biến tích cực của tình hình kinh tế vĩ mô nêu trên, môi trường đầu tư của Việt Nam đang có những cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản… đều cam kết tăng đầu tư vào Việt Nam. Chắc chắn đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng lên, những điều kiện này là cơ sở để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Tin cùng chuyên mục