DN và người dân là chủ thể của hội nhập

(BĐT) - Các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững” diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Chưa khai thác hết lợi thế trong hội nhập

Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm Đổi mới. Đáng chú ý, hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, đang thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) thông qua EVFTA và đàm phán 4 FTA khác. Các FTA này là cơ sở, là nền tảng quan trọng để nhiều hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận ưu đãi cao với 59 thị trường đối tác; tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo việc làm, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán.

Bên cạnh đó, hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa cao cùng với những hạn chế về trình độ quản lý đang tạo ra rào cản phát triển và kẽ hở cho những thua thiệt từ các vụ kiện và tranh chấp quốc tế. Việc thông tin cho các doanh nghiệp và người dân về hội nhập quốc tế, các FTA và chuẩn bị các điều kiện cần thiết còn hạn chế, chậm chạp.

Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, điều đáng tiếc nhất là chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội mà quá trình hội nhập mang lại. Các doanh nghiệp đã điều chỉnh tốt để thích nghi và tiếp tục sinh tồn, nhưng lại thiếu năng lực hiện thực hóa tối đa các lợi ích tiềm tàng của quá trình hội nhập để bứt phá.

Cũng theo vị Chủ tịch VCCI, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới có những điểm rất khác mà chúng ta không thể không chú ý và lượng định sớm các giải pháp cho phù hợp. Do đó, tìm các giải pháp căn cơ để tiếp tục hội nhập bền vững là điều chúng ta phải tính tới ngay từ bây giờ. 

Phát huy tối đa nội lực, sử dụng hiệu quả ngoại lực

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập, theo Thủ tướng, cần lưu ý một số vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước. Đó là, môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp từ cả khía cạnh hợp tác và cạnh tranh. Đối tác và đối tượng luôn đan xen, biến đổi linh hoạt và diễn ra cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong khu vực, trên thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế. Tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi thông qua những hàng rào kỹ thuật. Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế gia tăng.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng để phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực.

Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập.

Cùng với đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, Thủ tướng đề nghị nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, điểm rất quan trọng là tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế. “Tiềm lực phát triển lớn nhất nằm ở ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo vô hạn của mỗi doanh nghiệp, của mỗi người dân. Địa phương, doanh nghiệp là chủ thể trung tâm của hội nhập, phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập. Lãnh đạo địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm, “xắn tay áo vào cuộc”, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục