Doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập

(BĐT) - “Trong bối cảnh hiện nay, các cấp, các ngành phải tập trung đổi mới sáng tạo và hiệu quả, coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, hình thành thực sự văn hóa hội nhập. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và chỉ có thể thành công khi có sự tham gia tích cực, sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp và người dân”.
Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan nhà nước phải đổi mới, phải bám sát để hỗ trợ, tạo điều kiện, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan nhà nước phải đổi mới, phải bám sát để hỗ trợ, tạo điều kiện, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề "Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững", diễn ra vào tháng 4/2019.

Hai chủ thể quan trọng của hội nhập

Đến năm 2019, Việt Nam tham gia 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tại Hội nghị trực tuyến tháng 4/2019, Thủ tướng cho rằng, để hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, cần phải phát huy được nội lực, sử dụng hiệu quả ngoại lực, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng của đất nước. Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan nhà nước phải đổi mới, phải bám sát để hỗ trợ, tạo điều kiện, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp.

Một trong những nội dung cần hỗ trợ được Thủ tướng nhấn mạnh là hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp trong hội nhập. “Cùng với hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, đầu tư, tôi đề nghị các đồng chí đặc biệt lưu ý nâng cao năng lực phòng chống, giải quyết, xử lý các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ luật sư, cán bộ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đất nước, người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh điểm rất quan trọng là tạo mọi điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế. “Dư địa phát triển lớn nhất nằm ở ngay trong sự nỗ lực không ngừng, sức sáng tạo vô hạn của mỗi doanh nghiệp, người dân Việt”, Thủ tướng nói.

“Địa phương, doanh nghiệp, người dân là chủ thể trung tâm của hội nhập và phải được thụ hưởng thành quả của hội nhập (không ai bị bỏ lại phía sau). Do đó, các bộ, ngành trung ương phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh và xây dựng hệ thống thông tin hội nhập trên tất cả các lĩnh vực…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm công khai, minh bạch, sâu sát, tận tâm, lãnh đạo địa phương cần “xắn tay áo vào cuộc”, thực sự hỗ trợ hiệu quả cho chính quyền cấp dưới, người dân, doanh nghiệp để bộ máy chúng ta thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp trong phát triển.

“Ngược lại, doanh nghiệp, người dân phải chủ động, tích cực hơn, thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu diễn ra trong tháng 6 vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh... Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”.

Để doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội của hội nhập

Trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp và người dân trong hội nhập luôn được đề cập với nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Hội nhập luôn là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, phù hợp với các sắc thái riêng của từng giai đoạn phát triển của đất nước ta. Trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ, vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp và người dân trong hội nhập luôn được đề cập với nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Đơn cử, Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO xác định một trong những nhiệm vụ cơ bản mà các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện là “thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế”.

Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, Thủ tướng chỉ thị nhiều nội dung sát sao về việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong hội nhập. Theo đó, về định hướng chung để thực hiện chủ trương chủ động và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, giai đoạn từ nay tới năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị 6 nội dung. Trong đó, doanh nghiệp và người dân - 2 chủ thể nòng cốt của quá trình hội nhập - được nhấn mạnh trong 4 nội dung.

Cụ thể, xác định hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực quan trọng để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, Chỉ thị nêu rõ định hướng: Phát huy vai trò “Chính phủ kiến tạo phát triển”, từng bước hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh: Đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các FTA; chủ động đề xuất các định hướng, biện pháp cụ thể để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng, để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Thêm vào đó, Chỉ thị yêu cầu: “Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông tin về tình hình hội nhập và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có thể vượt qua thách thức, tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế”.

Tin cùng chuyên mục