Du lịch và câu chuyện phát triển - bảo tồn

(BĐT) - Với bất cứ quốc gia nào, việc cân bằng giữa các mục tiêu phát triển ngắn hạn với sự bảo tồn những giá trị bền vững dài hạn luôn là thách thức lớn trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Tại Việt Nam, chỉ riêng ngành “công nghiệp không khói” du lịch, câu chuyện hoá giải những nghịch lý thật không dễ, nhưng khá cấp thiết, để các thế hệ mai sau không phải trả giá cho sự “tăng trưởng nóng” hôm nay…
Năm 2019, Việt Nam đón hơn 17 triệu lượt du khách quốc tế
Năm 2019, Việt Nam đón hơn 17 triệu lượt du khách quốc tế

Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2019 khép lại với một con số khá ấn tượng với ngành du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên, lượng du khách quốc tế vượt 17 triệu lượt người.

Trong tròn một thập kỷ qua, khách du lịch nội địa Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, từ mức 20 triệu lượt người năm 2009 lên mức trên 80 triệu lượt người năm 2019. Khách quốc tế vào Việt Nam từ năm 2015 đến 2018 tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,6 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng là 25%/năm, là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới...

Việt Nam tỏ ra lấn át các đối thủ cạnh tranh trong khu vực bởi sự cải thiện về hạ tầng, sức hấp dẫn của các loại hình du lịch, bởi vậy nước ta vẫn là lựa chọn ưu tiên của du khách quốc tế, đặc biệt là phân khúc bình dân. Ở kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành “công nghiệp không khói” tiếp tục đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng thương mại và dịch vụ nói riêng cũng như GDP của cả nước nói chung. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, đã đánh giá nền “công nghiệp không khói” của Việt Nam đang bước vào thời kỳ “bùng nổ” về số lượng khách du lịch.

Bởi vậy, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” với mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Tổng thu của ngành đạt 45 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp trên 10% GDP.

Đồi chè Ô Long, điểm check in mới của khách du lịch khi đến Sapa

... nhưng không phải là tất cả

Bên cạnh “bức tranh” sáng màu đó, năm qua cũng gợi không ít “khoảng tối” gây ồn ào, bức xúc trong dư luận xã hội và các kênh truyền thông. Những cảnh báo các khu du lịch đe doạ phá vỡ cảnh quan, hay hình ảnh phản cảm về khu nhà hàng không phép trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) -  Công viên địa chất toàn cầu vùng cực Bắc của Tổ quốc dấy nên mối quan ngại về sự chạy theo phát triển kinh tế trước mắt đang xâm hại nghiêm trọng những di sản của đất nước và nhân loại. Nhiều địa danh nổi tiếng như Sơn Trà (Đà Nẵng), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), kể cả các vùng ngoại thành Thủ đô như Ba Vì, Sóc Sơn cũng được nhắc tới với nỗi lo về tình trạng xây dựng tràn lan, “phố hoá” núi rừng, thậm chí là nhiều công trình không phép đã và đang để lại không ít di họa. Và hình ảnh của đảo ngọc Phú Quốc bị nhấn chìm trong mưa lũ hồi giữa năm như một minh chứng cho làn sóng đô thị hoá quá nhanh, thiếu đồng bộ sẽ tạo ra sự mất cân bằng sinh thái, ẩn chứa nhiều nguy cơ lớn khi tự nhiên “nổi giận” với con người…

Hy vọng rằng, năm bản lề 2020 mở ra cái nhìn mới, tổng thể, hài hoà và bài bản, chi tiết với một trong những lĩnh vực đang là bộ mặt phát triển của đất nước, để ngành du lịch Việt tiếp tục “sáng cửa” đóng góp bền vững, ổn định vào sự tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ của đất nước hôm nay và mai sau.
Cũng tại báo cáo tổng thể về “bộ mặt” của ngành du lịch Việt Nam, bên cạnh những con số màu hồng, Ngân hàng Thế giới lập tức cảnh báo tăng trưởng “nóng” có thể khiến chúng ta “phải trả giá đắt” trong tương lai không xa. Hàng loạt vấn đề xảy ra liên quan đến lượng du khách tăng mạnh hầu hết chưa có lời giải hiệu quả hiện nay, đó là hạ tầng giao thông ùn tắc, ô nhiễm lớn tại các danh thắng.

Quy hoạch hệ thống đô thị, dịch vụ du lịch đứng trước nguy cơ đổ vỡ với tình trạng chắp vá, thiếu tầm nhìn, thậm chí “lợi ích nhóm” trong quy hoạch và cấp phép dự án đe dọa đến tính bền vững của sinh thái và cảnh quan. Ví dụ như tại Đà Nẵng, thành phố được coi là đáng sống nhất Việt Nam, các khu vực tập trung nhiều khách sạn, resort như quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vào mùa cao điểm du lịch đã xảy ra tình trạng thiếu nước. Trong khi đó, hệ thống khách sạn lại có xu hướng bùng nổ quá mức khiến cung đã tăng vượt cầu.

Tại Nha Trang, Vũng Tàu, hình ảnh những bãi biển ken đặc người, không một khe trống những ngày hè thực sự là hình ảnh không đẹp, đi liền là mối nguy về hạ tầng phục vụ thiếu chuẩn, thậm chí gây phản cảm trong cộng đồng đi cùng sự bừa bãi, hỗn độn. Sự quá tải về năng lực phục vụ mà tình trạng rác thải ở Đà Lạt, Phú Quốc rất dễ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên nói chung. Hay một Sa Pa hoang sơ và nên thơ bình yên trong sương mờ của núi rừng phía Bắc bị “đánh thức” bằng các công trình xây dựng đồ sộ, phá vỡ vẻ đẹp nguyên bản của thị trấn miền núi với các công trình cổ… Những thực tế trên cho thấy, đằng sau con số tăng trưởng là rất nhiều bài toán cần có lời giải quyết liệt để các hệ quả không phải là nghịch lý đáng tiếc trong tương lai…

Di sản văn hóa thế giới Hội An

Phát triển bền vững - lời giải duy nhất

Những ngày cuối năm 2019 khép lại với nhiều chỉ tiêu về kinh tế nói chung, về du lịch và dịch vụ của đất nước thật ấn tượng và khởi sắc. Tuy nhiên, từ thực trạng nêu trên, yêu cầu về phát triển bền vững với các lĩnh vực của kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng là vấn đề hết sức đáng lưu tâm.

Với ngành du lịch Việt Nam, đã đến lúc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần sớm phối hợp với các địa phương cho ra đời một bộ quy chế, quy định quản lý lĩnh vực này theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị di sản tự nhiên, lịch sử và văn hóa, giảm tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực và rủi ro với môi trường cũng như cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh đó, các lỗ hổng pháp lý trong Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Di sản cần phải có cơ quan là đầu mối rà soát, kiện toàn, sớm “vá” đầy trong thời gian sớm nhất. Cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này khi thực tế dường như còn khá mờ nhạt. Minh chứng rõ nhất là sự kiện khu nhà hàng không phép “hồn nhiên” mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng (Đồng Văn) hay khu du lịch tâm linh chùa chiền - nét văn hoá miền xuôi đặc trưng được một tập đoàn tư nhân xây dựng cạnh di tích Cột cờ Lũng Cú đang cho thấy Hà Giang nói riêng và nhiều địa phương nói chung rất xem nhẹ những giá trị văn hoá bản sắc gắn với lợi ích dân tộc, quốc gia. Đã đến lúc cần có chính sách và chương trình hành động nhất quán từ phạm vi cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ với sự tham mưu của một số bộ, ngành, địa phương, dựa trên nền pháp trị để cho ra một bộ nguyên tắc bảo vệ hệ sinh thái, các di sản văn hoá, đảm bảo tính cân bằng trong khai thác tài nguyên tại các danh thắng vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thế kỷ XXI.

Hy vọng rằng, năm bản lề 2020 mở ra cái nhìn mới, tổng thể, hài hoà và bài bản, chi tiết với một trong những lĩnh vực đang là bộ mặt phát triển của đất nước, để ngành du lịch Việt tiếp tục “sáng cửa” đóng góp bền vững, ổn định vào sự tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ của đất nước hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục