EVFTA: Không nhanh chân sẽ mất lợi thế tiên phong

(BĐT) - Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) cần nhanh chóng cải cách thể chế, luật hóa các cam kết và chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước. Nếu không nhanh chân, Việt Nam sẽ không còn lợi thế là nền kinh tế tiên phong trong ASEAN ký FTA với Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

DN vừa mừng, vừa lo

Bên lề Hội thảo Nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10/7, ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang thị trường EU đang được hưởng mức thuế 0%. Khi EVFTA có hiệu lực, cái mà ngành gỗ trông chờ là giá nguyên liệu đầu vào từ EU sẽ giảm xuống khoảng 20%. Hiện nay, ngành gỗ chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Pháp, Đức, Nam Phi...

Cùng với thuận lợi là thách thức tăng trưởng đối với ngành gỗ. Ông Quyền nhận diện, đó là nguồn gỗ rừng trồng; đội ngũ thiết kế; quản trị DN; đặt văn phòng tại nước ngoài... Đơn cử, chi phí đặt văn phòng ở nước ngoài hiện rất đắt đỏ, chỉ có khoảng 3 DN của Việt Nam đặt văn phòng ở nước ngoài. Ngoài ra, không thể mãi gia công theo các đơn đặt hàng đã có sẵn mẫu mã, thiết kế. Về lâu dài, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, DN Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu thông qua khả năng tự thiết kế sản phẩm và được các đối tác thừa nhận...

Bàn về ngành dệt may trước vận hội từ EVFTA, ông Phi Ngọc Trịnh - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dệt may Hồ Gươm cho rằng, mặc dù thị trường EU được đánh giá là thị trường tiềm năng của DN dệt may Việt Nam nhưng hiện doanh thu hàng năm không phản ánh đúng tiềm năng đó. Tay nghề công nhân của Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn so với các nước láng giềng, nhưng với mức thuế suất bình quân là 9,6%, sản phẩm dệt may của Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Do vậy, các DN rất trông chờ vào hiệp định này.

Tuy nhiên, ông Trịnh nhận diện, ngành dệt may chưa thể hưởng lợi ngay lập tức, bởi đang vướng ở việc đảm bảo quy tắc xuất xứ, do đa phần vải và các phụ liệu khác nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN - những thị trường chưa ký FTA với EU. Do đó, các DN dệt may vẫn phải chờ ngành công nghiệp hỗ trợ lớn lên, phát triển. Ngoài ra, ngành dệt may còn phải đối diện với các thách thức về khan hiếm lao động, hay cạnh tranh với các DN nước ngoài trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam để xuất đi EU với thuế suất 0%...

Không nên chỉ quan tâm đến ưu đãi thuế suất

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, nếu tính cả những FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán, dự kiến ký kết trong 1 - 2 năm tới, cơ hội mở ra cho các DN là rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là mức độ hấp thụ của Việt Nam và tuân thủ những cam kết trái ngược nhau giữa các hiệp định. Do đó, Chính phủ cần sớm có nghị định hướng dẫn cụ thể để giúp DN hiểu đúng các cam kết. Các ngành hàng cũng cần ngồi lại với nhau để nhận diện các thách thức, cơ hội mà các FTA mang lại cũng như mức độ cạnh tranh với các nước có cùng thế mạnh.

“Thực tế cho thấy, một số DN mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa. Trong khi đó, còn rất nhiều vấn đề phi thuế quan khác cần quan tâm. Nếu không nhanh chân chớp lấy cơ hội thì DN Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác, bởi không ai chắc trong tương lai các nước ASEAN còn lại không tham gia các hiệp định với EU”, ông Khanh bày tỏ quan ngại.

Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nhưng năng lực hội nhập còn thấp. Để thu hẹp khoảng cách này, tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá thấp, chất lượng cao, Chính phủ cần “chụm đầu” với DN trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết. Bản thân DN cũng cần nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro...

Tin cùng chuyên mục