Hơn 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV: Hoàn thành cơ bản khung hướng dẫn triển khai

(BĐT) - Sau hơn 1 năm kể từ ngày Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực (ngày 1/1/2018), công tác triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đạt được một số kết quả nổi bật. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật cũng đã bộc lộ một số tồn tại và khó khăn chủ yếu. Đây là một trong những thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra hôm nay (18/7/2019).
Quỹ Phát triển DNNVV đã ký hợp đồng ủy thác, cho vay 14 dự án của DNNVV với tổng số vốn là 106,4 tỷ đồng và đã giải ngân số vốn là 92,5 tỷ đồng thông qua 03 ngân hàng BIDV, VCB và HDBank
Quỹ Phát triển DNNVV đã ký hợp đồng ủy thác, cho vay 14 dự án của DNNVV với tổng số vốn là 106,4 tỷ đồng và đã giải ngân số vốn là 92,5 tỷ đồng thông qua 03 ngân hàng BIDV, VCB và HDBank

Nhiều hoạt động triển khai

Đánh giá về những kết quả nổi bật đạt được từ sau 1 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ KH&ĐT cho biết nhiều hoạt động hỗ trợ thực thi Luật đã được triển khai.

Đến nay, khung pháp lý hướng dẫn Luật cơ bản được xây dựng. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản thi hành Luật và đã ban hành đầy đủ 4/4 Nghị định liên quan để triển khai Luật, gồm: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP và Nghị định số 34/2018/NĐ-CP; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Thủ tướng Chính phủ cũng có Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV….

Tính đến 30/6/2019, đã có 50/63 địa phương đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Trong đó một số địa phương đã rất quyết liệt trong công tác hỗ trợ DNNVV, bố trí kinh phí của địa phương ngay trong năm 2018 để triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV như Hà Nội, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được triển khai kịp thời; một số chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật đã có một số chuyển biến rõ rệt và tích cực.

Tuy nhiên, Luật Hỗ trợ DNNVV là luật đầu tiên về hỗ trợ DNNVV nên sau một năm thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn. Đó là nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định; một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện hoặc mới được ban hành. Một số chính sách chưa đủ hấp dẫn để triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp…

Tích cực tháo gỡ khó khăn

Nhằm đưa Luật Hỗ trợ DNNVV thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ DNNVV lớn lên, Bộ KH&ĐT tiếp tục đề xuất, kiến nghị  thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV.

Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bố trí ngân sách hỗ trợ DNNVV trong kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2025. Đối với các bộ, ngành và địa phương trong năm 2019 cần tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể.

Đối với Bộ KH&ĐT thực hiện chủ trì xây dựng chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021-2025, tập trung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia các cụm liên kết, chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm; chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổng hợp, cân đối, bố trí nguồn vốn chi đầu tư phát triển để hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật. Khẩn trương xây dựng, trình Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư, trong đó bổ sung bốn lĩnh vực gồm: Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi phân phối sản phẩm cho DNNVV vào Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Luật; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hỗ trợ DNNVV ở trung ương và địa phương.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách ưu đãi thuế cho DNNVV trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019; chủ trì phối hợp với Bộ KH&ĐT bố trí nguồn vốn chi thường xuyên để triển khai Luật...

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật; ban hành tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ DNNVV. Cùng với đó, Bộ này phải khẩn trương đưa vào sử dụng Sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị nhằm hỗ trợ kết nối viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, giúp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cung cấp thông tin khoa học công nghệ cho các DNNVV…

Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương cần tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyển, phổ biến các chính sách mới về hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực quản lý…/.

Tin cùng chuyên mục