Kinh tế 2017 nhìn từ dư địa của chính sách tiền tệ

(BĐT) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế tiếp tục xu hướng đi lên trong năm 2017 mặc dù áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ tăng lên. 
Dự kiến, năm 2017, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng vào đầu năm và thắt chặt hơn vào cuối năm. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến, năm 2017, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng vào đầu năm và thắt chặt hơn vào cuối năm. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đặt ra sẽ còn nhiều thách thức, trong đó dư địa hạn hẹp để nới lỏng chính sách tiền tệ và sự căng thẳng của chính sách tài khóa là những yếu tố có thể tác động không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

Tăng trưởng khả quan nhưng còn nhiều áp lực

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), năm 2017 triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều khả năng sẽ khả quan hơn khi mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong các quý đầu năm hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng từ khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2017 mà  Chính phủ đặt ra là 6,7% có thể gặp nhiều thách thức do áp lực lạm phát sẽ gia tăng vào cuối năm đẩy mặt bằng lãi suất tăng lên.

“Trong năm 2017, chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2016 với mức tăng từ 6,5%. Về lạm phát, sau khi chính thức chạm đáy trong năm 2015, tăng dần lên trong năm 2016, sẽ tăng khá mạnh vào cuối năm 2017 đầu năm 2018 do cả nguyên nhân cầu kéo (sức cầu của nền kinh tế tăng) và chi phí đẩy (giá xăng và giá dịch vụ công tăng) - ông Hoàng Công Tuấn phân tích.

Theo MBS, tuy có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, song Việt Nam vẫn còn thiếu những bước đột phá trong năm 2015 và 2016 trong hoạt động tái cơ cấu đầu tư công và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có diễn ra song vẫn khá chậm chạp khi việc giải quyết khoản nợ xấu tại VAMC chưa được như mong đợi. Đặc biệt, áp lực lạm phát gia tăng, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và bắt đầu đi lên, dư địa nới lỏng chính sách không còn nhiều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có khả năng đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ tăng trưởng và có thể sẽ chững lại trong năm 2018 và 2019.

Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Chính phủ cũng yêu cầu phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Về chính sách tài khóa, Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và chủ động phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cũng từ góc nhìn của một công ty chứng khoán, Báo cáo triển vọng 2017 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, trong năm tới Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư bắt nguồn từ xu hướng nới lỏng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Đặc biệt là từ khu vực châu Á, khi Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là chính trị ổn định; lạm phát, tỷ giá trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay của Chính phủ gặp thách thức. Về lạm phát, Chính phủ có dư địa điều hành và kiểm soát lạm phát, nên dự báo vào khoảng 4 - 4,5%. 

Chính sách tiền tệ và tài khóa căng thẳng hơn năm 2016

Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2016 có sự đóng góp không nhỏ từ chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành theo định hướng nới lỏng có kiểm soát nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và kiểm soát lạm phát. Trong năm 2016, NHNN đã bơm VND vào hệ thống thông qua việc mua vào 11 tỷ USD, làm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại trở nên dồi dào, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Công Tuấn, dư địa của nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2017 nhiều khả năng đã không còn khi lạm phát đã có dấu hiệu đi lên trong các tháng gần đây. Dự kiến trong năm 2017, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng vào đầu năm và thắt chặt hơn vào cuối năm khi áp lực lạm phát tăng thêm. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vào khoảng 20%; mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức như hiện nay vào đầu năm để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và tăng lên vào cuối năm khi lạm phát gia tăng.

Dự báo lạc quan hơn, Báo cáo của VCBS cho rằng, trong năm 2017, mặc dù tiếp tục chịu nhiều áp lực từ biến động kinh tế thế giới, nhưng nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng ở mức dồi dào sẽ giúp NHNN có thể chủ động hơn trong việc điều hành và bình ổn thị trường khi cần thiết nhằm đảm bảo nhiều mục tiêu quan trọng, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, chỉ biến động nhẹ.

Tin cùng chuyên mục