Kinh tế 2019: Đủ niềm tin để bứt phá thành công

(BĐT) - Phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 bổ sung thêm 2 chữ “bứt phá”. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu bứt phá cho năm 2019 không chỉ có ý nghĩa với giai đoạn nước rút của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, mà còn củng cố nền tảng để nền kinh tế đi nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới. 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực phát triển giai đoạn tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực phát triển giai đoạn tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Chúng ta có cơ sở, có nền tảng vững chắc để bứt phá và đã xây dựng giải pháp, trọng tâm chính sách để có thể bứt phá thành công. 

Đà vững chắc cho bứt phá

Một năm trước, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch năm 2018, Chính phủ đã nhấn mạnh bước đi của năm 2018 sẽ cần phải nhanh hơn, bứt tốc hơn, bởi vì Việt Nam đang không đi một mình. Hội nhập sâu rộng khiến nền kinh tế Việt Nam bắt buộc phải phát triển so với chính mình và đuổi theo tốc độ của các nước trong khu vực và thế giới, nếu không muốn tụt hậu. 

Với tư duy ấy, năm 2018, Chính phủ đã tập trung, quyết liệt điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được rất ấn tượng và là kết quả thuyết phục, đạt được sau nhiều nỗ lực bền bỉ, nhất quán mục tiêu tăng trưởng nhanh đi đôi ổn định kinh tế vĩ mô.

Trao đổi với báo chí ngày 7/1/2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, bức tranh kinh tế 2018 rất tích cực, với tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, mức tăng cao nhất trong 11 năm vừa qua. Quan trọng là tăng trưởng đạt được toàn diện ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (tăng 3,76%) là mức kỷ lục của khu vực này trong nhiều năm qua; xuất siêu đạt mức chưa từng thấy là 7,2 tỷ USD; giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng, đạt trên 19 tỷ USD...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế 2018 là sức chống chịu của nền kinh tế đã được nâng lên rất nhiều. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Thế nhưng một năm trôi qua với những biến động thế giới phức tạp, kinh tế Việt Nam không bị tác động nhiều, vẫn đảm bảo tăng trưởng và ổn định; tính tự chủ của nền kinh tế cũng được nâng lên rõ rệt...

Nhiều chỉ số khác như tăng trưởng tín dụng chậm lại, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, giải ngân FDI tăng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt được không phải do tăng cung tiền, mà là tăng trưởng thực. Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, nhiều rào cản đã được tháo gỡ, hiệu quả đầu tư kinh doanh cao hơn giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp…

Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao kết quả phát triển kinh tế năm 2018 của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam đang ở thời điểm rất ấn tượng sau kết quả tăng trưởng năm 2017. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng.

Sức khỏe nội tại, tiềm lực trong nước được củng cố là nền tảng vững chắc để nền kinh tế bứt phá trong năm 2019. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bứt phá trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng, để tăng tốc trong giai đoạn nước rút, về đích kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đồng thời, bứt phá năm 2019 còn để tạo nền tảng thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, hướng tới mục tiêu thịnh vượng. 

Thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra

Với mức tăng trưởng 7,08% năm 2018, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu bình quân 6,5% của cả giai đoạn 5 năm. So với quốc tế và khu vực, đây là mức tăng rất tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải duy trì được đà tăng trưởng cao này trong thời gian dài để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, nhất là mục tiêu của tầm nhìn 2035”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài, như sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, những biến động khó lường của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đối với trong nước, những vấn yếu kém tích tụ từ lâu đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn là thách thức, như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng suất lao động thấp, cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được kết quả nhưng mới ở giai đoạn đầu, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư…

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mặc dù kết quả 2018 là rất tích cực, nhưng vẫn phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng, giải pháp điều hành đã có trong Nghị quyết 01/NQ-CP của năm 2019. Trong đó, Bộ trưởng nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất hiệu quả hơn nữa. Thứ hai, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực phát triển giai đoạn tới, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, rào cản, tạo bình đẳng cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực để có cuộc chơi minh bạch, công bằng. Thứ ba là có chính sách hiệu quả để thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ. “Đây là nhu cầu bức thiết của nền kinh tế, Chính phủ đã sớm xác định vấn đề này và bây giờ có hành động, quyết sách nhanh chóng, cụ thể, hiệu quả hơn để đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, phát triển lớn mạnh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tiếp nữa, phải chuẩn bị tốt cho hội nhập sâu rộng vì thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa về triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại. Cụ thể Hiệp định CPTPP là một yếu tố cần tận dụng ngay từ năm 2019 để mở rộng và phát triển thị trường. Đồng thời, dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019, trong đó khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Việt Nam cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường, liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước...

Tin cùng chuyên mục