Kinh tế chống chịu tốt hơn các cú sốc bên ngoài

(BĐT) - Qua nửa đầu năm, hầu hết các dự báo đều lạc quan về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2018 của Việt Nam. 
6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,02%, mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13,02%, mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Ảnh: Lê Tiên

Quan trọng hơn, đi đôi với tăng trưởng, nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang khá vững chắc, ổn định, khả năng chống chịu tốt hơn và đây là điểm khác biệt lớn so với những thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm của nhiều thập kỷ gần đây.

Kết quả tích cực, vững chắc

Số liệu thống kê 6 tháng được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần trước cho thấy bức tranh khá tích cực của nền kinh tế sau một nửa chặng đường của năm 2018.

GDP 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%). Đây là mức tăng GDP 6 tháng đầu năm cao nhất từ năm 2011.

Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) theo báo cáo của Nikkei tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5 cũng cho thấy sự ổn định và cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Theo Nikkei, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục, tính đến tháng 5, tốc độ tăng mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng. Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018.

“Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương ngay từ những tháng đầu của năm 2018”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Tuy tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không theo xu hướng quý sau cao hơn quý trước, nhưng với kết quả nửa đầu năm và đánh giá năng lực sản xuất, xu hướng của các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được.

Dự báo này của Tổng cục Thống kê cũng phù hợp với nhận định của nhiều tổ chức quốc tế. Gần đây nhất, tại Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố giữa tháng 6, WB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam lên mức 6,8%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước đó còn dự báo cao hơn, ở mức 7,1%. 

Chưa có dấu hiệu lặp lại chu kỳ suy giảm 10 năm

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Trong 2 năm tới, các tổ chức tài chính vẫn dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu khá cao, chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ chưa diễn ra, nếu có thì sau năm 2021 trở đi.
Dù nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây liên tục nhận được đánh giá tích cực, tuy nhiên vẫn còn đâu đó lo ngại về việc chu kỳ suy giảm, khủng hoảng 10 năm có thể xảy ra vào năm 2019. Lo ngại xuất phát từ chu kỳ khủng hoảng lặp lại ở nhiều thập kỷ gần đây mà gần nhất là khủng hoảng kinh tế năm 1999 và 2009.

Nói về lo ngại này, ông Dương Mạnh Hùng cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm trong năm 2019, 2020. Kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam khó tránh được chu kỳ suy giảm kinh tế xảy ra khoảng 10 năm một lần. Vấn đề là làm sao kéo dài, duy trì thời gian tăng trưởng kinh tế và làm sao thoát nhanh ra khỏi khủng hoảng kinh tế.

Theo ông Hùng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam tương đối cao, vì thế có thể sẽ chịu tác động rất lớn từ các cú sốc bên ngoài. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - EU… có thể ảnh hưởng phần nào đến nền kinh tế Việt Nam. Tính chu kỳ về tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và Việt Nam do chiến tranh về địa chính trị giữa các nước, điều chỉnh chính sách của một số nước lớn, bất ổn tài chính tiền tệ, chủ nghĩa dân túy của các nước.

Tuy nhiên, so sánh với các thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế ở các chu kỳ trước, nền kinh tế Việt Nam hiện tại có nhiều khác biệt theo hướng tích cực hơn.

Song song với tăng trưởng, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ đã chú trọng hơn đến việc kiểm soát lạm phát, đi từ ứng phó tình thế chuyển sang chủ động điều hành để kiểm soát lạm phát. Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng đi đôi với vĩ mô ổn định, tạo nền tảng tốt cho triển vọng trung hạn tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng.

Báo cáo mới công bố của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, rủi ro chu kỳ suy giảm kinh tế 10 năm đối với Việt Nam trong hiện tại không lớn bằng các năm 1979, 1989, 1999 và 2009. Lý do là nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện tốt hơn khá nhiều các giai đoạn trước với lạm phát được kiểm soát tốt, cán cân thương mại xuất siêu, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng mạnh.

Tin cùng chuyên mục